Đây là thông điệp mà Chủ tịch mãn nhiệm ĐHĐ LHQ khóa 73, bà Maria Fernanda Espinosa gửi đến khóa họp tiếp theo của LHQ, dự kiến sẽ chính thức khai mạc chiều 17/9 (theo giờ địa phương) tại New York, Mỹ.
Toàn cảnh khóa họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 25/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh tình hình thế giới không ngừng biến động với những thuận lợi và thách thức đan xen, kỳ họp mới của ĐHĐ LHQ được kỳ vọng tạo bước ngoặt cho việc giải quyết các bất đồng, xung đột hiện nay, và khởi nguồn những ý tưởng giúp cuộc sống con người trên thế giới tốt đẹp hơn.
ĐHĐ LHQ khóa 73 đã khép lại với 341 nghị quyết được thông qua và theo bà Espinosa, đây là số văn kiện được thông qua nhiều nhất trong vài năm trở lại đây. Điều này cho thấy cộng đồng quốc tế đã có sự đồng thuận và nỗ lực hơn để tìm kiếm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.
Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị là Chủ tịch ĐHĐ LHQ, bà Espinosa bày tỏ mong muốn được chứng kiến "những hành động cụ thể" để hoạt động của LHQ ngày càng hiệu quả hơn, minh bạch hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn. Bà nhấn mạnh để giải quyết mọi vấn đề của thế giới hiện nay đòi hỏi phải có sự hợp tác trên phạm vi toàn cầu.
Kỳ họp của ĐHĐ LHQ khóa 74, diễn ra từ ngày 17/9 đến hết ngày 30/9, với sự tham gia các đại biểu từ 193 quốc gia thành viên và 3 quan sát viên thường trực. Theo kế hoạch, khoảng 560 cuộc họp chính thức cùng 140 cuộc gặp song phương sẽ diễn ra trong khuôn khổ sự kiện này. Diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa với các cuộc chiến thương mại, các cuộc xung đột vũ trang ngày càng gia tăng căng thẳng, và thế giới trở nên mong manh hơn trước những hình thái cực đoan của khí hậu, ĐHĐ LHQ khóa 74 là cơ hội để các nước đẩy mạnh hợp tác trên phạm vi toàn cầu đó, cùng nhau đẩy lùi thách thức, tìm kiếm cơ hội thu hẹp bất đồng và chặn đứng mối đe dọa tiềm ẩn trên thế giới.
Điểm nhấn của ĐHĐ LHQ là tuần lễ diễn ra các phiên thảo luận chung cấp cao, từ ngày 24-30/9. Theo đó, 5 hội nghị cấp cao sẽ tập trung vào những vấn đề “nóng” tác động đến sự phát triển của thế giới hiện nay, đó là Hội nghị cấp cao về Hành động khí hậu, do Tổng Thư ký LHQ António Guterres khởi xướng, dự kiến diễn ra vào ngày 23/9 tới.
Trong năm qua, thế giới chứng kiến sự biến đổi bất thường của khí hậu Trái Đất, từ các đợt nắng nóng chưa từng thấy với nhiệt độ kỷ lục hơn 40 độ C tại các nước châu Âu, đợt lũ lụt kinh hoàng tại Ấn Độ và các nước khu vực Nam Á đến sự biến mất của sông băng đầu tiên tại Iceland và gần đây nhất là rừng rậm Amazon - "lá phổi xanh" của hành tinh - bị tàn phá.
Đứng trước những hậu quả do tình trạng biến đổi khí hậu này, Hội nghị cấp cao về Hành động khí hậu trong khuôn khổ ĐHĐ LHQ đặt mục tiêu kêu gọi sự đồng lòng của chính phủ các nước, các tổ chức tư nhân, dân sự xã hội, và tổ chức quốc tế, trong việc củng cố giải pháp và cam kết vốn được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Các nước tham gia hội nghị này tập trung thảo luận 6 nội dung cốt lõi gồm: sự chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo, xây dựng các thành phố và cơ sở hạ tầng bền vững và kiên cố, đẩy mạnh nông nghiệp bền vững, quản lý rừng và đại dương, sự thích ứng trước các tác động của khí hậu và sự liên kết tài chính công và tư với nền kinh tế “zero”.
Tiếp đó là hội nghị cấp cao đầu tiên về Sự bao phủ y tế toàn cầu với khẩu hiệu “Cùng nhau tiến tới xây dựng một thế giới lành mạnh hơn”. Với khoảng 50% dân số thế giới không đủ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và chi phí y tế đẩy gần 100 triệu người vào cảnh nghèo đói cũng cực mỗi năm, hội nghị này được LHQ đánh giá là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy cam kết chính trị từ lãnh đạo các nước trong việc ưu tiên và đầu tư vào hệ thống y tế cộng đồng. Bên cạnh đó, Hội nghị cấp cao về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), diễn ra trong hai ngày (24-25/9), được nhìn nhận là sự kiện đầu tiên liên quan đến SDG của LHQ kể từ khi chương trình này được thông qua năm 2015.
Để có thể đạt được SDG, đầu tư cho phát triển là nội dung chính trong Đối thoại cấp cao về tài chính dành cho đầu tư, diễn ra ngày 26/9. Đây là cơ hội để lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp và lĩnh vực tài chính, tháo gỡ bế tắc liên quan tới nguồn lực giúp đẩy nhanh tiến trình này, đồng thời tìm ra cách thức để đảm bảo một môi trường đầu tư dài hạn hướng tới phát triển bền vững, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân. Theo tính toán, các quốc gia trên thế giới cần từ 5.000-7.000 tỷ USD để đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, mới có thể hoàn thành SDG.
ĐHĐ LHQ khóa 74 diễn ra khi bức tranh toàn cảnh thế giới bị bao phủ màu xám bởi các cuộc cạnh tranh thương mại với những biện pháp đáp trả lẫn nhau, căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh, tình hình chiến sự tại Yemen chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình trạng biến đối khí hậu gây hậu quả tàn khốc tại nhiều nước. Tuy nhiên, ĐHĐ vẫn được coi là diễn đàn tạo điều kiện cho các bên phát đi thông điệp thiện chí, sẵn sàng chấm dứt đối đầu để cùng nhau hành động, mở đường cho những cam kết hòa bình và thịnh vượng. Bên cạnh đó, vai trò của LHQ như một cơ chế đa phương quốc tế lại được người dân thế giới kỳ vọng.
Phát biểu sau khi được bầu là Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 74, ông Muhammad Bande, Trưởng phái đoàn thường trực Nigeria tại LHQ, nhấn mạnh nhiệm kỳ mới của ông sẽ ưu tiên cho các vấn đề hòa bình và an ninh xóa đói giảm nghèo, giáo dục chất lượng và hành động chống biến đổi khí hậu. Do vậy, ĐHĐ LHQ khóa 74 chính là cơ hội để các nước thể hiện trách nhiệm rõ hơn với những hành động tập thể để thực thi cam kết đảm bảo xã hội hòa bình hơn, công bằng hơn và bền vững hơn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức