Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc

Chiều 20/9, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo "Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cán bộ thư viện ở các tỉnh, thành trên cả nước, nhằm đánh giá lại thực trạng, những giải pháp nhằm để đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đã khẳng định: Xã hội hóa là một xu hướng và là một nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Việc thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện góp phần huy động đóng góp của xã hội vào việc phát triển sự nghiệp thư viện.

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã, đang tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Trong Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", việc đẩy mạnh xã hội hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Xã hội hóa góp phần thúc đẩy sự chung tay của xã hội đóng góp về trí tuệ, công sức, tài chính để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Đó là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là một giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển của văn hóa đọc. Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh xã hội hóa, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện Việt Nam đã được hỗ trợ nhiều mặt như phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ người làm công tác thư viện và hình thành mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, để thúc đẩy xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc, cần phải thực hiện nhiều nội dung, từ định hướng trong Đề án "Phát triển văn hóa đọc cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", ngành thư viện đã xúc tiến một số dự án như trang bị xe ô tô lưu động đa phương tiện cho các địa phương để mang sách đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dự án mới triển khai nhưng số lượng người được thụ hưởng tăng rất nhanh. Dự án nâng cao việc sử dụng máy tính công cộng, trang bị sách cho trường học, thư viện cộng đồng... giúp người dân có thêm nguồn tài liệu phong phú.

Thời gian qua, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Bộ Thông tin truyền thông về tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với Bộ Công an về việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng....

Bên cạnh đó, Vụ Thư viện còn phối hợp với các cơ quan tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xã hội hóa thúc đẩy văn hóa đọc; vận động, quyên góp và nhận tài trợ hàng ngàn cuốn sách có giá trị, trang thiết bị thư viện từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân... Vụ Thư viện làm đầu mối nhận và trao tặng lại các nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhờ sự tài trợ từ các nguồn xã hội hóa, bộ mặt thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi, cơ sở vật chất và việc triển khai công nghệ mới được tăng cường.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá thực trạng và thành tựu trong việc thực hiện xã hội hóa văn hóa đọc ở các địa phương, các ngành, lĩnh vực; hiệu quả cũng như bất cập trong quy định về quy đinh xã hội hóa hiện hành trong việc đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc. Các đại biểu cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm của các địa phương, các nước trên thế giới trong xã hội hóa phát triển văn hóa đọc; bàn các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam...

Theo TTXVN/Báo Tin tức