Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ninh Phước, cho biết: Để công tác KHKT ở địa phương ngày càng lan tỏa trong cộng đồng xã hội, Hội Khuyến học huyện luôn chủ động phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các trường học trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về phong trào học tập trong gia đình, dòng họ và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về mục đích ý nghĩa của việc học tập suốt đời đối với mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ và toàn xã hội. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, nhân dân và các trường học còn đẩy mạnh phong trào KHKT, triển khai hiệu quả các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”… Thông qua các phong trào thi đua, nhiều gia đình, dòng họ đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình và có cách làm hay trong việc giáo dục, khuyến khích, động viên con em vươn lên trong học tập, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Phong trào Khuyến học, khuyến tài là động lực giúp các em học sinh Ninh Phước nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập.
Nhờ phát động phong trào xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học nên nhiều gia đình, dòng họ đã quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình, trẻ đúng độ tuổi được đưa đến trường. Bên cạnh đó, việc biểu dương, khen thưởng và trao học bổng cho học sinh có thành tích học tập tốt, cấp sách vở, dụng cụ học tập…đã giúp các em có thêm điều kiện đến trường. Điển hình như tộc họ Hamubhạuk nhánh 1 (khu phố 1, thị trấn Phước Dân) hiện có 56 hộ, xuất phát từ nhu cầu học tập, khơi dậy truyền thống hiếu học, năm 2000, tộc họ Hamubhạuk nhánh 1 đã vận động thành lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài để con cháu có thêm điều kiện đến trường. Từ nguồn Quỹ khuyến học của tộc họ, hàng năm vào mỗi dịp tổng kết năm học, tộc họ tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng cho các cháu có thành tích cao trong học tập ở các cấp học. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em đi học được hỗ trợ sách vở, tiền tàu xe khi đi học ở xa. Việc biểu dương khen thưởng của tộc họ không chỉ tạo ra động lực học tập cho con em mà qua đó, giúp các bậc phụ huynh có trách nhiệm chăm lo cho việc học của con em mình ngày càng tốt hơn. Đến nay, tộc họ Hamubhạuk nhánh 1 đã có 10 người học đại học, cao đẳng và trung cấp. Tất cả con em trong tộc họ đều được đến trường, không ai bỏ học giữa chừng.
Toàn huyện Ninh Phước hiện có 25.756 hội viên, với 16 Hội khuyến học ở các xã, thị trấn; 245 chi hội sinh hoạt ở 66 thôn, khu phố; xây dựng được 80 dòng họ khuyến học, 66 cộng đồng học tập và 9 Trung tâm học tập cộng đồng. Cùng với đó, để thúc đẩy phong trào KHKT ở địa phương, các cấp hội cũng đã vận động xây dựng Quỹ KHKT được trên 3,6 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương trao 497 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi; trao 16 xe đạp cho học sinh nghèo; hỗ trợ 125 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó trong học tập ở xã An Hải và thi trấn Phước Dân…
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, cho biết thêm: Hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập gắn với chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, thời gian tới, Hội Khuyến học huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các hội cơ sở; đẩy mạnh phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học và xã hội học tập; tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các chi hội, dòng họ xây dừng Quỹ Khuyến học nhằm kịp thời động viên, khen thưởng, hỗ trợ các em học sinh. Đồng thời, nhân rộng và hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến học, cách làm hay trong giáo dục ở các địa phương. Qua đó, đưa phong trào KHKT và các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”…đạt hiệu quả, nhằm hướng đến xây dựng xã hội học tập của địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Tiến Mạnh