Tại xã Bắc Phong và Lợi Hải (Thuận Bắc) nơi Tập đoàn Trung Nam đang đầu tư dự án điện mặt trời kết hợp điện gió trên diện tích 270ha, nhiều khu vực ngay bên dưới các tấm pin đã được chuẩn bị để triển khai các dự án nông nghiệp. Theo ông Vũ Đình Tân, Tổng Giám đốc Dự án Điện mặt trời Trung Nam việc kết hợp nông nghiệp sẽ giúp cải tạo môi trường, làm giảm tối đa bụi trên các tấm pin giúp tiết kiệm chi phí bảo trì và nâng cao hiệu suất phát điện; nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp cũng góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
Các chuyên gia nông nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh khảo sát thực địa tại Dự án Điện mặt trời Trung Nam. Ảnh: H.P
Hiện nay, Tập đoàn Trung Nam đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tiến hành đánh giá, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, vùng đất này phù hợp với các loại cây dược liệu, cây trồng cạn có khả năng chịu hạn cao. Theo Tiến sỹ Võ Thái Dân, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, dự án hoàn toàn khả thi vì mức độ che ánh sáng của các tấm pin không ảnh hưởng lớn đến cây trồng bên dưới; những hạn chế về thời tiết, khí hậu, chất đất có thể giải quyết triệt để bằng việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, do diện tích quá lớn, nếu tận dụng tối đa vấn đề nguồn nước tưới và thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ là yếu tố quyết định.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh có 5 khu vực phát triển điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.429 MW trên diện tích 21.432 ha. Con số này cho thấy việc kết hợp sản xuất nông nghiệp dưới các tấm pin nếu được triển khai rộng rãi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn; giải quyết hài hoà bài toán giữa nhu cầu phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp. Theo Tiến Sỹ Trần Đình Lý, Hiệu phó Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, để đạt được mục tiêu này, các nhà khoa học cần nghiên cứu cụ thể và đưa ra những phân tích về mặt khoa học, từ đó xác định loại cây trồng phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.
Nhà máy Điện mặt trời BIM 2 (Thuận Nam) chính thức hoà vào lưới điện quốc gia.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã cử đoàn cán bộ đi tham khảo ở nhiều quốc gia và nhận thấy các mô hình năng lượng tái tạo kết hợp với nông nghiệp mang lại hiệu quả về môi trường và kinh tế rất cao, giúp tối ưu hoá tài nguyên đất và năng lượng. Ninh Thuận đang hướng tới phát triển các mô hình này, trong giai đoạn tiếp theo tỉnh sẽ đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo kết hợp với sản xuất nông nghiệp.
Hiệu quả mang lại từ việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn. Nếu ứng dụng thành công tại Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam, mô hình sẽ là cơ sở để nhân rộng cho các dự án năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nước, thị trường tiêu thụ là những khó khăn lớn khi triển khai cần các chuyên gia, các ngành chức năng và chủ đầu tư đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện.
Hữu Phương