Trong 12 giờ qua khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa vừa mưa to đến rất to. Mực nước trên sông hiện đang lên rất nhanh. Dự báo tình hình mưa lũ trong 12 giờ tới, khu vực tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có mưa, lượng mưa phổ biến 30 đến 50mm, có nơi cao hơn. Trong đêm 17-9, trên sông Cái Phan Rang xuất hiện một trận lũ: Tại trạm Tân Mỹ khả năng đạt đỉnh khoảng: 36.50m, ở mức xấp xỉ Báo động 2. Khả năng xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ sạt lở đất ở vùng núi huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 1. Đặc biệt chú ý các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất: Xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới (Ninh Sơn); xã Phước Tân, Phước Tiến, Phước Chính, Phước Thành, Phước Trung, Phuớc Hòa, Phước Bình ( Bác Ái).
Mưa lớn làm ngập tuyến đường 21 Tháng 8 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Bà Trương Thị Thanh Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh-Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn gây lũ, sạt lở đất và ngập lụt vùng trũng thấp, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có Thông báo số 11/TB-CCTL gửi đến các sở ngành, địa phương khẩn trưởng tập trung các phương án ứng phó với mưa lũ. Yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lớn, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức kiểm tra các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đưòng đi qua ngầm, tràn… để có biện pháp cảnh báo (cấm biển báo, khoanh vùng xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn…) để nhân dân biết chủ động phòng, tránh hạn chế đi lại; chủ động phương án thực hiện sơ tán di dời dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Bố trí lực lượng, kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang các tuyến đường bị ngập để huớng dẫn nguời, phương tiện qua lại.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản, Ban Quản lý Khai thác các cảng cá thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tình hình thời tiết nguy hiểm để chủ động có các biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Giữ thông tin liên lạc thuờng xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ truớc khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thuờng xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết nguy hiểm gây mưa lớn, kịp thời thông báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan biết chủ động chỉ đạo ứng phó. Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang theo dõi chặt chẽ diễn biễn tình hình thời tiết nguy hiểm để xử lý thông tin kịp thời và thông báo thường xuyên cho tàu thuyền chủ động phòng tránh.
Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, tăng cường thời lượng phát sóng giúp các cấp chính quyên, nhân dân nắm được thông tin về tình hình mưa lớn, thời tiết nguy hiểm để nhân dân biết, chủ động các biện pháp ứng phó.
Xuân Bính