Tọa đàm trực tuyến về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Với quy trình bầu cử được tổ chức chặt chẽ, kỹ càng, dân chủ, người được bầu sẽ có đủ tiêu chuẩn.

Sáng 16-3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016”. Tham gia tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

 Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Hướng tới ngày bầu cử đại biểu
Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2011-2016"

Lần đầu tiên cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 được tiến hành vào cùng một ngày (22/5/2011). Đây là sự kiện trọng đại của đất nước, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và là dịp để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cho biết ý nghĩa của cuộc bầu cử này, đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: Ý nghĩa bao trùm là chúng ta có một dịp để hoàn thiện toàn bộ hệ thống nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Trước đây, Đại hội Đảng thường tiến hành trước khoảng 1 năm, sau đó tiến hành bầu cử các cấp HĐND và Quốc hội, thành ra có một khoảng thời gian mà những người lãnh đạo Đảng được bầu chuẩn bị đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của Nhà nước, khoảng thời gian này tương đối dài, như vậy thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Do đó, chủ trương bầu cử lần này thể hiện một nỗ lực lớn về mặt tổ chức. Đại hội Đảng diễn ra tháng 1, sau đó chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND, và đến tháng 7 sẽ hoàn chỉnh bộ máy Nhà nước.

 Thứ hai là phát huy quyền dân chủ trong xây dựng chính quyền từ địa phương đến Trung ương. Trong mô hình quân chủ, quyền lực là trời ban (người đứng đầu xưng là thiên tử-con trời). Trong mô hình dân chủ, người dân ủy quyền cho ai thì người đó có quyền. Người dân ủy quyền cho những người được bầu để điều hành đất nước. Đây là sự kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ của mình.

Thứ ba là mang lại tính hợp pháp và sự chính đáng cho toàn bộ hệ thống nhà nước. Người cầm quyền vừa hợp pháp vừa chính đáng, bởi vì có sự ủy quyền của người dân 5 năm một lần.

Đây còn là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, đảm bảo những người ứng cử phải nêu rõ được các phẩm chất, định hướng của mình, người dân phải có trách nhiệm chọn đúng người, tiêu biểu về đức, tài để có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ hệ trọng. Đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho biết, chỉ đạo quan trọng trong hoạt động lần này là thông qua bầu cử phát huy tinh thần dân chủ đồng thời chọn được người tiêu biểu về đức và tài, đủ tiêu chuẩn, trung thành với Tổ quốc, Hiến pháp, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Đây là những định hướng rất quan trọng. Ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu rõ, danh sách những người ứng cử được chọn vừa dân chủ, bởi được cử tri ở đơn vị bầu cử giới thiệu với tỷ lệ cao, đồng thời cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra. Với quy trình bầu cử được tổ chức chặt chẽ, kỹ càng, dân chủ, người được bầu sẽ có đủ tiêu chuẩn.

Đồng tình với nhận định của đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng, đồng chí Nguyễn Văn Pha cũng nhất trí cho rằng, quy trình giới thiệu người ứng cử được xây dựng hết sức kỹ càng và dân chủ. Đơn cử, ngay bước 2- bước cơ quan, đơn vị tổ chức giới thiệu người ứng cử đã phải gồm 3 công đoạn. Thứ nhất, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị đó dự kiến người ứng cử. Thứ hai, tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác để nhận xét, lấy tín nhiệm với người được dự kiến ứng cử. Thứ ba, trên cơ sở ý kiến cử tri nơi công tác, lãnh đạo cơ quan, tổ chức họp mở rộng để chính thức giới thiệu người ứng cử. Như vậy, nếu người được dự kiến mà không được đa số cử tri nơi công tác nhất trí thì đương nhiên cơ quan, tổ chức đó phải dự kiến người khác thay thế. Khi tiếp nhận hồ sơ ứng cử, nếu không đủ các nội dung theo ba bước nêu trên thì coi như người đó chưa đủ điều kiện để ứng cử.

Đối với công tác tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp, đồng chí Nguyễn Văn Pha khẳng định: Đối với hệ thống Mặt trận, Chỉ thị của Đảng được quán triệt với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử cần đề cao vai trò của cử tri nơi công tác và nơi cư trú của những người được giới thiệu ứng cử. Các hội nghị cử tri phải được tiến hành dân chủ, đúng luật. Những người không nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri nơi công tác và nơi cư trú rất có thể là căn cứ để Mặt trận Tổ quốc khi hiệp thương không đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử.

 Theo đồng chí Nguyễn Văn Pha, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn các cấp Mặt trận chủ động góp phần trong hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử, đồng thời giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử. Có những công đoạn trong quá trình hiệp thương tuy luật không quy định Mặt trận tham gia trực tiếp nhưng Mặt trận vẫn phải thường xuyên đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng thời gian luật định. Việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật cần có sự tham gia của tất cả các cơ quan tổ chức chính trị. Với trách nhiệm được pháp luật quy định, MTTQ Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện thuận lợi cho công dân có đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm các thủ tục ứng cử. Một điểm mới năm nay, về chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách, từ 26% của QH khóa XII lên 33% của QH khóa XIII, đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, để đảm bảo, trên cơ sở thực hiện hướng dẫn chung, thứ nhất là phần ứng cử viên do QH giới thiệu và những người được QH giới thiệu sẽ làm chuyên trách cho QH. Hiện tại QH được giới thiệu chung là 100 người- những ứng cử viên cơ bản sẽ làm việc chuyên trách. Trước đây tỷ lệ này thấp hơn.

Các địa phương đều có đại biểu chuyên trách của mình. Như vậy, sẽ phân bổ cho các địa phương chọn đại biểu chuyên trách. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh số đại biểu chuyên trách nhiều hơn. Với sự lựa chọn, sắp xếp nhân sự như vậy, chúng ta sẽ có tỷ lệ trên dưới 33%, còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử. Nhưng định hướng chỉ đạo là 33% đại biểu chuyên trách.

Về vấn đề số dư, các đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng và Nguyễn Văn Pha đều cho rằng rất cần lưu ý thêm, nếu không, khi sát đến thời gian bầu cử mà có ứng cả viên nào bị ốm đau hoặc có sự cố đột xuất không tham gia được, chúng ta bầu tròn (số ứng cử viên bằng số người được bầu) là vi phạm pháp luật.

Một vấn đề khác cũng phải lưu tâm là các quy định về thời gian theo Luật bầu cử rất chặt chẽ. Các cơ quan tổ chức bầu cử phải theo lịch trình để hoàn thành công việc.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam