Đến nay, về cơ bản, các địa phương trong cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị bầu cử đúng luật, tiến độ và bảo đảm dân chủ. Một số địa phương còn chủ động đi trước để xác định địa điểm bầu cử và chuẩn bị hòm phiếu... Tuy nhiên, để công tác bầu cử trở thành ngày hội của non sông, một số địa phương cần khắc phục những mặt còn hạn chế, tồn tại.
Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử
đại biểu Quốc hội khoá XIII của MTTQ Việt Nam
Ngay sau hội nghị triển khai của tỉnh Quảng Ninh, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường đều thành lập Ban chỉ đạo và đã tổ chức hội nghị triển khai ở đơn vị. Đến hết ngày 17/02/2011, 14/14 huyện thị xã, thành phố và 186 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND của cấp mình. Qua hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban bầu cử tỉnh đã thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở tỉnh được bầu làm đại biểu HĐND. Công tác chuẩn bị các điều kiện để phục vụ công tác bầu cử được đảm bảo, chu đáo.
Theo báo cáo tổng hợp từ 9 đoàn kiểm tra bầu cử của thành phố Hà Nội, các quận, huyện đã hoàn tất hiệp thương bầu cử lần thứ nhất, xác định được số lượng ứng cử viên với cơ cấu và thành phần cụ thể. Nhiều quận, huyện có tỷ lệ ứng cử viên trẻ, nữ và người ngoài Đảng khá cao, đúng như chỉ đạo của Trung ương. Từ ngày 4-3, thành phố Hà Nội đã bắt đầu thực hiện bước 2 của quy trình hiệp thương lần thứ nhất với việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ tổ chức hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Trong đó, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử HĐND cấp huyện là 2.004 người, ở cấp xã là 28.622 người.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, Thái Bình đã cơ bản đảm bảo về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2011 ở mỗi một đơn vị bầu cử đều có số dư từ 2,5 đến 3 ứng cử viên. Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Thái Bình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ là 09 đại biểu (trong đó Trung ương giới thiệu 03 đại biểu). Tỉnh đã hiệp thương về số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đang cư trú tại Thái Bình là 19 người, đảm bảo về cơ cấu. Tổng số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 67 đại biểu, tỉnh đã hiệp thương giới thiệu được từ 125 - 128 người tham gia ứng cử.
Qua tổng hợp báo cáo bước đầu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở nhiều địa phương đã thỏa thuận dự kiến giới thiệu tỷ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu ở mức gấp hai lần trở lên. Điển hình là thành phố Hải Phòng dự kiến giới thiệu 23 người ứng cử trên tổng số 9 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 2,56 lần). Tỉnh Hà Tĩnh dự kiến giới thiệu 17 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu, (bằng 2,34 lần). Tỉnh Điện Biên dự kiến giới thiệu 12 người ứng cử trên tổng số 6 đại biểu Quốc hội được bầu. Tỉnh Phú Thọ dự kiến giới thiệu 14 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu. Thành phố Đà Nẵng dự kiến giới thiệu 12 người ứng cử trên tổng số 6 đại biểu Quốc hội được bầu… Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận lựa chọn, đến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ có đủ số dư theo luật định.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương và tất cả các địa phương đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, đúng luật. Rất nhiều nơi góp ý thẳng thắn với bản dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu của địa phương mình do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến. Nhiều địa phương kiến nghị thay đổi cả về số lượng, cơ cấu thành phần, thay đổi cả về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Ngoài làm tốt công tác hiệp thương lần thứ nhất, các địa phương trong cả nước đã thành lập các tiểu ban tuyên truyền, an ninh và giải quyết đơn, thư khiếu tố các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Tại Hà Nội, thành phố đã lập 3 tiểu ban này và các tiểu ban đều đã có kế hoạch cụ thể, bắt tay triển khai công việc xuống cơ sở. Tại nhiều quận, huyện, các tiểu ban dù mới thành lập nhưng đã đi vào hoạt động rất tích cực như Tiểu ban An ninh quận Hai Bà Trưng đã chủ động phổ biến các phương án tác chiến cụ thể đến các đơn vị và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng.
Ủy ban bầu cử tỉnh Hậu Giang đã thành lập 03 Tiểu ban (Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiểu ban Thông tin, Tuyên truyền; Tiểu ban chỉ đạo công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội) và Tổ chuyên viên giúp việc cho Ủy ban bầu cử. Đồng thời, Ủy ban bầu cử tỉnh cũng đã có văn bản phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh. Hiện nay, 3 tiểu ban đã đi vào hoạt động một cách rất tích cực và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, các hoạt động chuẩn bị cho công tác bầu cử vẫn còn một số hạn chế, lúng túng. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, một số địa phương dự kiến giới thiệu số người ứng cử trên tổng số đại biểu được bầu còn thấp trên tổng số đại biểu được bầu. Đó là thành phố Cần Thơ dự kiến giới thiệu 11 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 1,57 lần). Tỉnh Bắc Ninh dự kiến giới thiệu 9 người ứng cử trên tổng số 6 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 1,5 lần). Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến giới thiệu 10 người ứng cử trên tổng số 7 đại biểu Quốc hội được bầu (bằng 1,43 lần)... Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, với số dư đó, đến khi hiệp thương lần thứ ba vẫn có thể đủ số dư theo luật định. Vì theo Luật, với những đơn vị bầu 3 đại biểu, thì số dư ít nhất là 2. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại vì từ đó đến bầu cử còn hơn một tháng nữa, nếu có trục trặc gì xảy ra với người ứng cử thì rất khó đảm bảo số dư theo luật định.
Khó khăn thứ hai là tại một số địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong Ủy ban bầu cử chưa tốt. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND còn trục trặc, như chưa sát, chưa thực sự tiêu biểu, còn có tâm lý “chạy theo” thành tích về tiến độ… Một vấn đề cũng rất đáng nói là một số nơi cán bộ Mặt trận, cán bộ ngành nội vụ thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm xử lý tình huống phát sinh trong quá trình hiệp thương... Đây là vấn đề cần kịp thời được lưu ý để tránh lặp lại.
Để công tác bầu cử diễn ra thiết thực, an toàn, trở thành ngày hội của toàn dân, thiết nghĩ ngay từ bầy giờ các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có hướng dẫn cụ thể về việc tuyên truyền bề nổi (khẩu hiệu tuyên truyền, panô, áp phích…) tại các cơ quan, trụ sở và khu vực bỏ phiếu…; tiếp tục tăng cường giải quyết khiếu nại tố cáo, tập trung những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; cần có hướng dẫn cụ thể về kinh phí để đảm bảo chi cho hoạt động của công tác bầu cử; sớm ban hành tài liệu tuyên truyền, hỏi – đáp về bầu cử; hướng dẫn cụ thể về cơ chế, mức chi kinh phí cho bầu cử.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam