Chương trình Kính viễn vọng chân trời sự kiện (EHT) đã được báo chí thế giới ngày 10/4 đồng loạt nhắc đến khi các nhà khoa học công bố hình ảnh đầu tiên về một siêu hố đen bao quanh bởi một quầng sáng màu cam lửa của tia plasma nóng trắng.
Đứng đầu là chuyên gia Shep Doelman tại Trung tâm Thiên văn học Smithsonian của Đại học Harvard (Mỹ), nhóm nghiên cứu đã dành một thập kỷ để tổng hợp các hình ảnh từ một kính viễn vọng điện toán, thu thập các dấu hiệu nhận được từ 8 kính viễn vọng radio làm việc đồng thời quanh Trái Đất, với tầm nhìn trải dài đến thiên hà Messier 87 (M87), cách chúng ta 55 triệu năm ánh sáng.
Giải 'Oscar khoa học' thuộc về nhóm nhà khoa học phát hiện hố đen đầu tiên trên thế giới. Ảnh: livescience.com
Thông qua kỹ thuật này, họ đã có thể ghi lại được một hình ảnh có độ phân giải cao chưa từng thấy và quan sát hình ảnh hố đen lần đầu tiên trong lịch sử, bằng chứng khẳng định các phỏng đoán lý thuyết về các vật thể trên bầu trời này.
Trả lời phỏng vấn báo giới, nhà khoa học Doelman cho biết bằng chứng mạnh mẽ về hố đen đã khai sinh cho một lĩnh vực mới. Ông nhấn mạnh: "Giờ đây chúng ta bước vào kỷ nguyên của hình ảnh chính xác về hố đen, chúng ta có thể tiếp cận chân trời sự kiện và lần đầu tiên vẽ bản đồ không gian".
Chân trời sự kiện của một hố đen là điểm mà ở đó các tác động của trọng lực mạnh đến mức ánh sáng không thể đi qua.
Giải Đột phá về vật lý căn bản do các chủ doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon khởi xướng từ cách đây 8 năm nhằm công nhận và trao thưởng cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Những người thắng giải này trong các lĩnh vực khác, như các môn khoa học đời sống hay toán học, cũng được nhận thưởng 3 triệu USD. Họ sẽ được công nhận chính thức trong một lễ trao giải ngày 3/11, tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ở Mountain View, bang California, Mỹ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức