Kênh CNBC dẫn lời ông Yi Xiong, nhà kinh tế học về Trung Quốc tại Ngân hàng Deutsche, cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể kéo dài như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản hồi những năm 1980 kéo dài hơn chục năm.
Ông Xiong nói ngày 28/8: “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc không muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại cũng không tìm cách đáp trả Mỹ nặng nề dù có thể. Chiến lược hiện nay của Trung Quốc có thể kéo dài. Giới hạn thời gian có thể vượt quá chu kỳ chính quyền Mỹ hiện tại”.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: Reuters
Trong khi Trung Quốc sẽ vẫn để ngỏ khả năng cho các cuộc đàm phán nữa nhưng ít khả năng nước này sẽ nhượng bộ, nhất là khi xét nỗ lực của Trung Quốc trong đa dạng hóa chuỗi cung. Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực ở các quốc gia khác để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 25/8 đã đăng một vài bài báo về quan hệ hợp tác cải thiện với các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Mỹ Latinh.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc cũng đang tăng cường thị trường nội địa. Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 27/8 đã vạch ra 20 biện pháp để hỗ trợ tiêu dùng, trong đó có áp dụng công nghệ mới để thúc đẩy luân chuyển hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng các con phố thương mại, đẩy nhanh phát triển cửa hàng tiện ích theo chuỗi.
Ông Hu Xijin, Tổng biên tập một tờ báo thuộc Nhân dân Nhật báo, nhấn mạnh động thái của Trung Quốc trong một dòng tweet ngày 27/8. Ông nói rằng ngày càng khó hơn cho Mỹ trong việc ép Trung Quốc nhượng bộ.
Ông Donald Straszheim, phụ trách nghiên cứu Trung Quốc thuộc công ty Evercore ISI, nhận định: “Quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp mới. Cả hai bên vẫn có ‘lằn ranh đỏ’ không tương thích với nhau, trong đó có chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường diện rộng, tiền tệ và cơ chế thực thi”.
Ông Xiong nhận định: Khi Tổng thống Trump đột ngột chấm dứt đình chiến thương mại đầu tháng 8 khi thông báo áp thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD, Trung Quốc đã trả đũa bằng các mức thuế thấp hơn từ 5-10% với hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ USD. Đó là vì mục tiêu của Trung Quốc không phải là tối đa hóa thiệt hại mà là làm thoái chí Mỹ.
Ông nói: “Trung Quốc sẽ vẫn đáp trả thuế quan của Mỹ nhưng nhỏ hơn và có mục tiêu hơn. Vì cùng lý do đó, Trung Quốc có thể không thực hiện các hành động phi thương mại chống Mỹ, ví dụ như trừng phạt lợi ích doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc”.
Trong thực tế, Trung Quốc đã chào đón doanh nghiệp Mỹ. Nhà bán lẻ Costco vừa khai trương cửa hàng ở Thượng Hải ngày 27/8. Siêu nhà máy của Tesla ở Thượng Hải cũng đang được xây dựng với tốc độ nhanh chóng.
Năm ngoái, chiến tranh thương mại đã biến thành chiến tranh công nghệ và thuế quan dường như đã trở thành một công cụ để Tổng thống Trump giành lợi thế trong những vấn đề khác như thao túng tiền tệ và mua vào nông sản.
Ông Xiong nói: “Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt quá vấn đề thương mại, giảm lợi ích tiềm năng của Trung Quốc trong thỏa thuận thương mại. Nếu Trung Quốc từng hy vọng trước đó rằng giải quyết chiến tranh thương mại có thể giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Trung nói chung, nhưng hy vọng đó phần lớn đã tiêu tan”.
Đầu năm nay, chính quyền của ông Trump đã cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, ngăn khả năng Huawei mua chip mà Mỹ sản xuất. Tổng thống Trump cũng nói rằng Trung Quốc không mua nông sản Mỹ số lượng lớn như đã hứa.
Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đầu tháng này nói rằng có nhiều vấn đề cơ cấu mà Mỹ cần giải quyết với Trung Quốc trước khi đạt thỏa thuận thương mại. Những vấn đề này gồm xâm nhập mạng vào mạng lưới doanh nghiệp Mỹ, buộc chuyển giao công nghệ, ăn cắp tài sản trí tuệ và thao túng tiền tệ.
Ông Straszheim nói: “Chúng tôi không kỳ vọng đạt được thỏa thuận thương mại lớn trong năm 2019. Hãy nhớ rằng thỏa thuận không phải là thỏa thuận cho tới khi hai bên thống nhất mọi câu từ”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức