Về phía mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hoan nghênh một hội nghị G7 "rất thành công" và nhấn mạnh rằng quan hệ giữa hai vị nguyên thủ Mỹ-Pháp "chưa bao giờ tốt hơn thế".
Lãnh đạo các nước G7 và Đại diện Liên minh châu Âu dự hội nghị ở Biarritz, Pháp ngày 25/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Trái với những lo ngại trước khi diễn ra hội nghị, chiều 26/8, lãnh đạo các nước G7 đã cùng ký bản tuyên bố ngắn gọn trong khuôn khổ một trang giấy. Có thể thấy rõ thông qua văn bản này, G7 đã đạt được đồng thuận nhất định về một số vấn đề thời sự quốc tế quan trọng như thương mại, Iran, Ukraine, Libya...
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz được giới phân tích đánh giá là một thành công của Tổng thống Emmanuel Macron, giúp ông khẳng định vai trò của Pháp trên trường quốc tế cũng như phần nào lấy lại uy tín trong nước.
Với chủ đề bao trùm là chống bất bình đẳng, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất bình đẳng chưa từng có đang đe dọa hàng thập kỷ phát triển, Hội nghị G7 đã tránh được "kịch bản u ám" là các cuộc họp rơi vào bế tắc thảm họa vì những bất đồng, hoặc khá hơn thì bị coi là vô ích.
Tất cả các vấn đề nóng của thế giới đã được thảo luận, từ vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đang tàn phá "lá phổi" của Trái Đất - rừng Amazon - đến các nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra, từ vấn đề hạt nhân Iran và tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh đến việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn…
Có thể nói Tổng thống Macron đã "đặt cược" rất nhiều vào hội nghị G7, với mong muốn mang lại cho Pháp vai trò lịch sử là trở thành "cường quốc trung gian hòa giải" nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn và góp phần định hình lại cục diện địa-chính trị mới trên thế giới.
Kết quả hội nghị đáng khích lệ với sự đồng thuận trên một số vấn đề. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ nhanh chóng giải ngân 20 triệu USD để giúp dập tắt cháy rừng Amazon, cũng như thống nhất kế hoạch viện trợ tái trồng rừng ở cấp Liên hợp quốc.
Liên quan đến tình hình Ukraine, G7 ủng hộ Pháp và Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ Normandy trong thời gian tới "để có được kết quả cụ thể". Trong lĩnh vực kinh tế, G7 ủng hộ "thương mại toàn cầu mở cửa và công bằng, và sự ổn định của nền kinh tế thế giới"…
Các cuộc đối thoại song phương giữa các nhà lãnh đạo đã góp phần làm nguội căng thẳng trong nội bộ G7, như Pháp và Mỹ đã đạt được thỏa hiệp về việc đánh thuế những tập đoàn công nghệ lớn, hoặc Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí trên nguyên tắc về các yếu tố cốt lõi của một thỏa thuận thương mại mà hai bên hy vọng có thể sẽ sớm được ký kết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại Biarritz (Pháp) ngày 26/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Đặc biệt, sự xuất hiện đầy bất ngờ của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Biarritz được đánh giá là một "nước cờ" táo bạo của Tổng thống nước chủ nhà Macron, đã phát đi thông điệp về cơ hội đối thoại để tạo ra một động lực mới tháo gỡ bất đồng giữa các nước G7 trong quan hệ với Iran…
Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz cũng một lần nữa phản ánh rõ nét "cuộc khủng hoảng trật tự quốc tế" cùng sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các thành viên G7, vốn đã bộc lộ từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm 2017.
Bản tuyên bố ngắn gọn cuối hội nghị không che lấp được rạn nứt nội bộ của G7, các diễn biến trong hậu trường cũng hé lộ nhiều dấu hiệu của sự bất đồng. Tổng thống Mỹ Trump phải đối mặt với áp lực từ các lãnh đạo thế giới về một loạt vấn đề, đặc biệt là cuộc chiến thương mại đang leo thang với Trung Quốc.
Ngay cả một đồng minh thân thiết nhất của Tổng thống Mỹ là Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đề xuất “giảm bớt căng thẳng” với Bắc Kinh. Trong ngày làm việc đầu tiên, ông Trump dường như đã "hạ giọng" khi phát biểu với báo giới rằng ông lấy làm tiếc căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang đến mức hai nước áp thuế "ăn miếng trả miếng" đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau, song chỉ vài giờ, một tuyên bố khác cho biết điều duy nhất mà ông chủ Nhà Trắng hối tiếc là đã không áp thuế cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Mỹ đã gây căng thẳng khi đưa ra đề xuất sẽ mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020, nơi Mỹ sẽ là chủ nhà. Đây vốn là chủ đề nhạy cảm với các nước Liên minh châu Âu (EU), luôn cho rằng việc Nga tái gia nhập nhóm các nước công nghiệp này phải gắn với tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Bất đồng giữa Tổng thống Mỹ và các đồng minh châu Âu càng lộ rõ khi ông Trump đứng hẳn về phía Thủ tướng Anh Johnson, người đang tỏ thái độ cứng rắn với EU về thỏa thuận Brexit, với lời hứa hẹn sẽ ký kết với Anh một "thỏa thuận thương mại khổng lồ".
Trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sắp xếp chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu khiến phía Mỹ không hài lòng.
Sự vắng mặt của ông Trump tại phiên thảo luận về khí hậu được Nhà Trắng biện minh bằng các cuộc thảo luận song phương với các nhà lãnh đạo khác, song rõ ràng điều này cho thấy khoảng cách quan điểm giữa 2 nhà lãnh đạo.
Chủ đề hạt nhân Iran cũng bị coi là không đạt kết quả, dù các thành viên G7 đều thể hiện chung mục tiêu là ngăn Iran trang bị vũ khí hạt nhân và đảm bảo sự ổn định trong khu vực Trung Đông. Không một kế hoạch hành động chung nào được đưa ra, cũng không có giải pháp cho tình trạng bế tắc giữa Mỹ và EU liên quan tới phương cách tiếp cận khác nhau về vấn đề hạt nhân Iran.
Các nhà phân tích cho rằng những kết quả đạt được tại hội nghị Biarritz rất khiêm tốn, nếu không nói là "nghèo nàn" khi xét trên những nội dung tham vọng đặt ra. Tổ chức Oxfam nhận định G7 đã không đưa ra được giải pháp cho vấn đề chống bất bình đẳng, mặc dù đây là nội dung ưu tiên chính trong năm Chủ tịch G7 của Pháp.
Paris cũng không thể vận động được các nước phát triển gánh vác trách nhiệm hỗ trợ các nước nghèo nhất, điển hình như các nước ở khu vực Sahel châu Phi, đối phó với thách thức bất bình đẳng. Dù tuyên bố hỗ trợ chống nạn cháy rừng Amazon, song các nước G7 không đưa ra cam kết "giảm một cách nghiêm túc" lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nếu so với kết quả hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Canada khi Tổng thống Mỹ không ký tuyên bố chung, thì những gì đạt được ở Biarritz năm nay tuy khiêm tốn, song có thể coi là bước tiến nhỏ.
Ở vai trò nước chủ nhà, Pháp đã cố gắng trở thành trung gian hòa giải để tìm lời đáp cho những vấn đề bất ổn và căng thẳng. Hội nghị G7 năm nay đóng vai trò hữu ích như một điểm hẹn để tiến hành cách cuộc đối thoại cởi mở, dù không có quyết định thực sự nào được đưa ra.
Theo TTXVN/Báo Tin tức