Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Với mỗi chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và đặc biệt là đạo đức Hồ Chí Minh.

Hết lòng yêu nước, thương dân

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước nhà bị xâm lược, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau của một dân tộc mất độc lập, người dân mất tự do. Nỗi đau ấy, cùng với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, đã trở thành nguồn lực vô tận, thôi thúc người thanh niên mới vừa tròn 21 tuổi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Ba mươi năm bôn ba nước ngoài với biết bao phong ba, bão táp không ngăn nổi, không làm chùn ý chí của Người. Người luôn bền chí, quyết tâm vượt qua, để hướng tới một mục đích cao cả: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (1). Nhờ những năm tháng đó, Người đã học hỏi được nhiều “tinh hoa và tiến bộ” từ các nước phương tây, góp phần to lớn, quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện công cuộc giải phóng Việt Nam, thống nhất đất nước sau này.

Không chỉ là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất đỗi giản dị, khiêm tốn, gần gũi với nhân dân.

Sau khi trở về Tổ quốc, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với những chủ trương sáng suốt và những quyết sách kịp thời, sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, xây dựng tổ chức, lực lượng và tiến hành thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, giải phóng dân tộc. Và suốt mấy chục năm sau đó, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con người vĩ đại ấy vẫn dành cuộc đời mình để đấu tranh giành độc lập, thống nhất cho đất nước, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Đặc biệt, lòng yêu nước và thương dân trong Người luôn gắn bó hòa quện và bổ sung cho nhau. Bởi theo Người: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (2), nên phải làm sao cho mọi người đều được ăn no mặc ấm, được sung sướng, tự do. Người yêu cầu, Đảng và Nhà nước, cán bộ đảng viên phải nhận thức rõ điều đó, phải phấn đấu cho mục tiêu đó.

Thương dân, Người cũng tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân, “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Người luôn nhắc nhở, từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đến mỗi cán bộ, đảng viên, đều phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, “việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (3).

Có thể thấy, ý chí cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như Người đã bộc bạch: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” (4); hay “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (5). Chính lòng yêu nước thương dân ấy, mong muốn ấy của Người đã trở thành niềm động viên to lớn, truyền thêm sức mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân quy tụ lại dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng, ủng hộ kháng chiến, tham gia kháng chiến với quyết tâm giành thắng lợi.

Không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nỗ lực hết mình trong cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân trọng và tốt đẹp.

Cả đời cần, kiệm, liêm, chính

Nếu như yêu nước thương dân là lẽ sống, là ngọn nguồn, động lực và đích đến của mọi hoạt động cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thì cần, kiệm, liêm, chính lại là những phẩm chất căn bản, cốt lõi tạo nên tính cách, thói quen của Người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bốn đức tính trên chính là thước đo phẩm chất đạo đức của con người và nếu chỉ thiếu đi dù chỉ một trong số bốn đức tính đó “thì không thành người” (6).

Bác viết, “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”, “Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”; Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người”; “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM…” và “cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”; còn Chính “nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”(7)...

Nói đi đôi với làm, bằng cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về cần, kiệm, liêm, chính cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Người đã thực hành triệt để tất cả những quan niệm đạo đức mình đưa ra, thậm chí Người còn làm nhiều hơn, tốt hơn những gì Người nói. Về “cần”, Bác đã lao động, học tập, nghiên cứu không biết mệt mỏi để tìm ra con đường cứu nước; cùng với Đảng tổ chức, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công. Về “kiệm”, Bác chính là tấm gương điển hình về tính giản dị, thanh bạch. Dù là lãnh tụ của cả một quốc gia, nhưng Người luôn giản dị hết mức, từ ăn (cá kho, dưa chua, cà muối); mặc (bộ bà ba sờn cũ với đôi dép cao su hay bộ ka ki màu vàng với đôi giày vải); đến ở (lúc ở chiến khu thì ở chung với cán bộ, nhân viên, về Hà Nội ở nhà của người thợ điện, sau này ở trong nhà sàn đơn sơ với vài vật dụng cá nhân tối cần thiết). Ngay cả trong công việc Bác cũng rất đề cao tính tiết kiệm, “khi không nên xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu”… Về “liêm”, sự thanh liêm của Người đã được thể hiện rõ nét qua từng lời nói, hành động. Không những không bao giờ có ý nghĩ tư lợi cá nhân, người còn luôn trăn trở, nghĩ cách làm sao để dân mình có cuộc sống tốt hơn, làm sao để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Về “chính”, Người luôn khiêm tốn, kính trên nhường dưới, yêu thương, quan tâm đến mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là những người nghèo khổ. Đặc biệt, Người không màng đến hạnh phúc cá nhân mà luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trước hết, và đã hy sinh cả cuộc đời để mang lại nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.

Có thể thấy, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đủ và thể hiện sáng rõ cả bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Chính điều này đã củng cố thêm giá trị cho tư tưởng của Người về những phẩm chất đạo đức cách mạng trên và tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân. Noi gương Người, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, các thế hệ người Việt Nam, từ cán bộ đảng viên cho đến nhân dân, đã thi đua thực hiện tốt cần, kiêm, liêm, chính. Nhờ đó, dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng với tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, ta vẫn huy động được một nguồn lực lớn về sức người sức của, đảm bảo cho các cuộc chiến giành thắng lợi. Trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cả nước đã có hàng hàng triệu cán bộ, đảng viên, những “người tốt, việc tốt”, những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua… tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường của dân tộc; cần cù, sáng tạo, lao động với tinh thần “mình vì mọi người”, “mỗi người làm việc bằng hai”, có ý thức tiết kiệm của công, không tham ô, lãng phí... Nhờ vậy, sự nghiệp kiến thiết đất nước trước đây và công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Sáng rõ trong Di chúc

Cả cuộc đời gắn bó sâu nặng, tình nghĩa với dân với nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý của đạo đức cách mạng. Đạo đức Hồ Chí Minh còn thể hiện sáng rõ qua bản Di chúc lịch sử của Người.

Trong Di chúc, lời căn dặn của Người về đạo đức thấm nhuần trong mọi nhiệm vụ, mọi công việc đối với mọi tầng lớp nhân dân. Các chủ trương, chính sách, biện pháp, các việc làm lớn nhỏ, trước mắt cũng như lâu dài mà Người nêu ra trong Di chúc đều thể hiện đạo đức của người cách mạng, trong lẽ sống, lối sống vì nước, vì dân.

Đối với Đảng, Người nhấn mạnh trước hết về đạo đức của Đảng cầm quyền, “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (8) để “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung hành của nhân dân” (9). Người đặc biệt quan tâm tới giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, lớp người kế tục sự nghiệp cha anh.

Về nhiệm vụ phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đầu tiên là công việc với con người”. Người căn dặn Đảng và Chính phủ cũng như mọi cán bộ, đảng viên phải hết lòng quan tâm chăm sóc nhân dân ở khắp mọi đối tượng, không quên, không sót một ai; nhất là phải thi hành các chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ và gia đình của họ, tuyệt đối không để thân nhân và gia đình họ rơi vào cảnh đói khổ, túng thiếu. Người còn nhắc nhở về việc thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ và giúp đỡ, tạo cơ hội cho những “nạn nhân của chế độ xã hội cũ” trở nên “những người lao động lương thiện”.

Ngay cả trong những lời Người “nói về việc riêng” cũng thể hiện những phẩm chất đạo đức cao quý, thương dân, không muốn lãng phí thì giờ tiền bạc của dân: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (10). Và niềm tiếc nuối duy nhất của Người chỉ là “không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (11), qua đó thể hiện rõ đạo đức của người cách mạng, suốt đời phục vụ Tổ quốc, nhân dân với tất cả tình yêu thương và trách nhiệm cao cả.

Theo TTXVN
---------------------
(1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr 5,6.
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4 tr.56
(3): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.56,57
(4): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.240
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.161.
(6), (7): Trích “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH”,
Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.5, tr 631 đến 645
(8), (9): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.12, tr 498
(10), (11): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.12,tr 503, 504