50 năm thực hiện Di chúc chủ tịch hồ chí minh (1969 - 2019)

Muôn vàn tình yêu thương của Bác

Lời cuối cùng trong bản Di chúc có lẽ là tình cảm lắng đọng, gây xúc động mạnh nhất về tấm lòng của Bác đối với nhân dân. “Để lại muôn vàn tình thân yêu” - cách nói nghe thân thuộc, tha thiết, cháy bỏng. Bác ra đi, không đem theo gì cho mình; tất cả, Bác để lại trọn vẹn cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng: Cuộc sống và tình yêu, lý tưởng và ước nguyện, ham muốn tột bậc đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Bác lo cho đến khi từ biệt thế giới này, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”...

“Chỉ biết quên mình cho hết thảy”

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, cực khổ, cậu bé Nguyễn Tất Thành đã sớm nuôi trong mình một khát vọng lớn lao là giải phóng dân tộc, đem lại tự do cho nhân dân. Xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn và thương dân vô bờ bến, ngày 5-6-1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi ấy vừa tròn 21 tuổi, đã quyết chí lên đường đi tìm đường cứu nước. Và suốt mấy chục năm sau đó, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con người vĩ đại ấy đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh giải phóng cho dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó” (1).

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

Và động lực to lớn, thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người, cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp nhân dân chính là lòng yêu thương con người của Bác. Tình yêu thương đó đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Tình cảm ấy, không đơn thuần là do truyền thống “yêu nước, thương dân” được thừa hưởng từ dân tộc, nó còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Người đã trải qua, chứng kiến và cảm nhận trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.

Đúng như những vần thơ của Nhà thơ Tố Hữu: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người”, tình thương yêu của Bác là vô cùng rộng lớn và dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Bác thương từ cụ già để “xuân về gửi biếu lụa” cho đến các em nhỏ “trung thu gửi cho quà”. Từ các “đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng” đến “người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương”. Không chỉ “Sữa để em thơ, lụa tặng già”, Bác còn quan tâm đến chỗ ở, việc làm, đến từng bát cơm, manh áo hàng ngày cho nhân dân. Nhìn những người phu làm đường vất vả, Bác thương cảm:” “Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/Ngựa xe hành khách thường qua lại/Biết cảm ơn anh được mấy người”. (Phu làm đường-Nhật ký trong tù). Bác chân thành thăm hỏi, động viên từ công nhân khu mỏ Quảng Ninh, đồng bào dân tộc miền núi, quê hương “năm tấn” Thái Bình, đến các đơn vị không quân tuổi trẻ anh hùng, các trường học... Bác cũng dành tình thương đặc biệt đối với miền Nam và đồng bào miền Nam. Bác từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Bởi vậy, mỗi khi có đại biểu, các chiến sĩ miền Nam ra thăm, Bác đều tiếp đón, thăm hỏi, tặng quà, cùng chụp ảnh kỷ niệm... Bác vô cùng đau xót khi thấy đồng bào bị áp bức, kìm kẹp và vui mừng khi được tin thắng lợi.

Đặc biệt hơn cả là tình yêu của Bác đối với thiếu niên nhi đồng. Bác luôn nhắc nhở các cán bộ chiến sĩ và đồng bào “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em có cơm ăn, có áo ấm, được đi học”. Dù là “ông Ké”, “già Thu” ở chiến khu xưa, hay là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước sau này, Bác luôn gần gũi bà con và trẻ nhỏ bằng tình cảm sẻ chia chân thành. Hầu như Tết Trung thu năm nào Bác cũng gửi thư thăm hỏi, động viên và đặt nhiều niềm tin nơi các cháu. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên (tháng 9-1945), Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu” (2).

Điểm nổi bật trong tình yêu thương con người của Bác còn là sự bao dung và độ lượng rộng lớn, đặc biệt là những người mắc phải khuyết điểm. Người nói: “Người đời ai cũng có chỗ tốt, chỗ xấu, ta phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ” (3). Trong sinh hoạt Đảng, Bác căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (4).

Bên cạnh đó, tình yêu thương con người ở Bác còn thể hiện qua sự trân trọng, đề cao con người. Bác đánh giá cao vai trò của nhân dân: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân" (5). Bác tôn trọng từ các bậc hiền tài, các nhà khoa học, cho tới những người lao công quét rác, bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau.

Không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia, tình yêu thương, lòng nhân ái của vị lãnh tụ kính yêu đã vượt qua cả danh giới địa lý, chính trị. Bác thương tất thảy những người cùng khổ, những người bị áp bức, bóc lột ở các nước trên thế giới, bởi "lọ là thân thích ruột già, công nông thế giới đều là anh em"...

“ Tôi để lại muôn vàn  tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng...”

Cho tới trước lúc đi xa, Bác cũng không quên “để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng", và "gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế" (6).

Xuất phát từ yêu thương bao la ấy, khi viết về những việc Đảng, Nhà nước cần làm sau ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Người đã nhấn mạnh: "Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh" (7). Bác nhắc nhở: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”(8). Người cũng chu đáo, quan tâm đến cha, mẹ vợ, con của thương binh và liệt sĩ và dặn “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét" (9).

Trong chiến lược xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu. Người đã căn dặn: "Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ, công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta" (10). Đây là tư tưởng thể hiện rất rõ sự thống nhất giữa tính nhân văn cộng sản, tầm nhìn chiến lược về việc lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế của cuộc sống đã chứng minh tư tưởng ấy của Người là hoàn toàn đúng đắn.

Không những vậy, Người còn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ để họ được tiến bộ, bình đẳng và thật sự được giải phóng. Người đã khẳng định: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ"(11).

Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: "Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện"(12). Chi tiết này đã thể hiện đậm nét sự khoan dung, nhân hậu trong tấm lòng vị cha già dân tộc.

Cũng xuất phát từ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" và quan điểm an dân, khoan sức dân là kế sách giữ nước vừa sâu gốc, bền rễ, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: "Miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất..."(13).

Có thể thấy, yêu thương con người là đức tính nổi bật, là nguồn cội và đích đến của mọi hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN
-------------------------------
(1) - Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, t.4, tr. 240.
(2) - Sđd, t.4, tr.33
(3) - Sđd, t. 5, tr. 279
(4) - Sđd, t.12, tr.498
(5) - Sđd, t.8, tr. 276.
(6) đến (13) - Sđd, t.12, tr.503, 504