Theo Science Alert, các nhà khoa học tới từ Đại học Pennsylvania, Mỹ đã sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng Kepler của NASA để tính toán số lượng hành tinh giống Trái đất trong Dải Ngân hà. Theo đó, cứ 4 ngôi sao giống Mặt trời lại có một ngôi sao với hành tinh giống Trái đất quay xung quanh, nghĩa là Dải Ngân hà có thể chứa tổng cộng 10 tỷ hành tinh như vậy.
Theo các nhà khoa học, con số 10 tỷ hành tinh này đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài không gian. Ở những hành tinh có đặc điểm giống với Trái đất, sinh vật hoàn toàn có thể sinh sống và tồn tại được. Nghiên cứu mới giúp các nhà khoa học lập kế hoạch tốt hơn cho những chuyến khám phá không gian trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu cho biết, hành tinh giống Trái đất là hành tinh phải có kích thước bằng 0,75-1,5 lần so với Trái đất và quay quanh ngôi sao chủ trong khoảng thời gian từ 237 đến 500 ngày. Đây được coi là vùng có khả năng tồn tại sự sống vì khoảng cách với sao chủ phù hợp cho nước lỏng tồn tại trên bề mặt hành tinh đó.
Bước tiếp theo để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất là nghiên cứu cấu tạo của các hành tinh này. "Giới khoa học đặc biệt quan tâm đến việc tìm các dấu ấn sinh học hay dấu hiệu sự sống trong khí quyển của những hành tinh kích thước tương đương Trái đất”, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết. Một hành tinh nằm trong "vùng có khả năng tồn tại sự sống" vẫn cần khí quyển đủ chắc chắn, giúp duy trì nhiệt độ phù hợp để nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Các chuyên gia có thể đoán được thành phần khí quyển của một ngoại hành tinh bằng cách quan sát ánh sáng của sao chủ khi hành tinh này đi qua.
Trước đó, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã công bố một hành tinh có thể tồn tại sự sống ngoài Hệ Mặt trời và gần Trái đất nhất từ trước tới nay (chỉ cách Hệ Mặt trời 31 năm ánh sáng). Hành tinh này có tên gọi là GJ 357 d, được phát hiện bởi Vệ tinh thăm dò ngoại hành tinh TESS của NASA.
Theo www.chinhphu.vn