Ngăn sông làm đường
Cuối tháng 7-2019, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp kiểm tra thực tế tình hình hoạt động khai thác nạo vét cát lòng sông, suối tại 22 DN có giấy phép đang còn hiệu lực (trong đó 20/22 DN khai thác trên dòng sông Dinh). Tại thời điểm kiểm tra, có 10/22 vị trí đang khai thác; 12/22 vi trí đang tạm ngừng hoạt động khai thác, các vị trí đang khai thác đều có các tuyến đường vận chuyển dưới lòng sông. Đây là những con đường do DN đắp cát lên làm đường vận chuyển cát, sỏi khai thác được.
Các tuyến đường vận chuyển cát được doanh nghiệp làm dưới lòng sông Dinh.
Điều đáng nói ở đây, các đường vận chuyển dưới lòng sông Dinh của một số DN không đúng phương án được duyệt gây thu hẹp dòng chảy tại các vị trí khai thác các mỏ như: Mỏ cát Sông Dinh, xã Phước Sơn (Ninh Phước); Mỏ cát Đô Vinh, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); Mỏ cát Lương Cang 2, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn)... Đặc biệt, qua kiểm tra tại Mỏ cát xây dựng Phước Mỹ 1, phường Phước Mỹ (Tp Phan Rang-Tháp Chàm) của Công ty TNHH Bách Hà Ninh Thuận đoàn kiểm tra phát hiện Công ty đã đem sà lan (trên có 2 máy bơm hút) công suất lớn đặt dưới lòng sông và các tuyến ống nhưa (D300) đang thực hiện nối ống để thực hiện khai thác hút cát bằng các phương tiện này. Qua kiểm tra đối chiếu hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật thì tại vị trí khai thác này, việc sử dụng sà lan và ống hút là không đúng với hồ sơ thiết kế đã đuợc duyệt (chỉ đắp đường dưới lòng sông và sử dụng máy xúc xúc cát lên xe để vận chuyển đi tiêu thụ). Hiện nay trên tuyến sông Dinh trên địa bàn tỉnh chưa được công bố là tuyến đường thủy nội địa do đó việc sử dụng sà lan tại vị trí này là hành vi nghiêm cấm theo khoản 5, Điều 8 Luật Thủy lợi năm 2017.
Việc làm này của các DN đang khai thác các mỏ cát sẽ làm thu hẹp dòng chảy, thậm chí một số vị trí mỏ cát có nguy cơ làm đổi hướng dòng chảy, cản trở dòng chảy trên sông, làm giảm lưu lượng dòng chảy tại các đập dâng Nha Trinh và Lâm Cấm, gây sạt lở bờ sông, mất an toàn trong mùa mưa lũ cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khai thác, nạo vét các mỏ cát trên lòng sông Dinh của các DN.
Doanh nghiệp đắp đường dưới lòng sông Dinh và sử dụng máy xúc cát lên xe để vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Văn Nỷ
Trong khi đó, theo hồ sơ phương án đã được duyệt thì khi bước vào mùa mưa lũ (từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm) các đơn vị phải tạm ngừng khai thác và tháo dỡ các đường vận chuyển dưới sông; đồng thời bốc dỡ, vận chuyển toàn bộ khối lượng cát đang tập kết ra khỏi phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông và các công trình thủy lợi (nếu có), di chuyển toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đến nơi an toàn trước mùa, mưa lũ. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra vẫn chưa có DN nào thực hiện?
Đến nỗi lo trực tiếp
Trên sông Dinh, một số đập dâng được xây dựng để dâng nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp trên địa bàn tỉnh với sản lượng khoảng 70 triệu m3/năm, đồng thời cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích tưới thiết kế khoảng 16.800ha. Trong vụ hè-thu năm 2019, khu tưới của các đập dâng trên sông Dinh do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận quản lý phục vụ điều tiết nước tưới cho khoảng 15.539ha, trong đó (lúa10.759ha; màu 4.482ha; thủy sản 298ha). Do đó, từ nay đến khi kết thúc vụ hè-thu, nhu cầu nước ở hạ du Nhà máy Thủy điện Đa Nhim trên địa bàn tỉnh tại đập Nha Trinh đòi hỏi phải duy trì dòng chảy trên Sông Dinh lưu lượng tối thiểu từ (10÷12) (m3/s). Tuy nhiên, nguồn nước chủ lực đổ vào Sông Dinh là lượng nước xả từ nước chạy máy của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim hiện nay còn rất thấp, nguyên nhân do từ đầu năm cho đến nay, lưu vực hồ Đơn Dương ít mưa nên lượng nước đến của hồ rất ít. Tính đến ngày 6-8-2019, mực nước hồ Đơn Dương với dung tích 27,35 triệu m3, đạt 16,6% so với dung tích thiết kế (cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 6% và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 4,3% và năm 2017 là 68,3%).
Ngoài ra, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận, các tháng tới trong mùa khô (từ tháng 25-7 đến tháng hết tháng 8) với lượng mưa ở mức thấp hơn đến xấp xỉ TBNN. Vì vậy, trong thời gian tới nếu lưu vực hồ Đơn Dương tiếp tục không có mưa, dung tích hồ Đơn Dương xuống dưới mực nước chết thì các nhu cầu dùng nước ở hạ du của tỉnh, đặc biệt là vùng hưởng lợi từ đập dâng Nha Trinh và Lâm Cấm có nguy cơ bị thiếu nước ngay trong cuối vụ hè-thu năm 2019.
Trước tình hình đó, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Ninh Thuận đã chủ động có kế hoạch đưa nước bổ sung từ hồ Sông Sắt, Trà Co với lưu lượng xả nước dự kiến từ (3÷5) m3/s khi mực nước tại đập Nha Trinh thấp hơn cao trình mặt đập (+15,6m). Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả kiểm tra của Chi cục Thủy Lợi (như đã nêu trên), việc xây dựng đường vận chuyển dưới lòng sông không đúng phương án được duyệt sẽ làm thu hẹp dòng chảy, thậm chí một số vị trí mỏ cát có nguy cơ làm đổi hướng dòng chảy, cản trở dòng chảy trên sông, làm giảm lưu lượng dòng chảy tại các đập dâng Nha Trinh và Lâm Cấm.
Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc Phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Ninh Thuận, cho biết: Để đảm bảo nguồn nước cấp cho các nhu cầu thiết yếu ở hạ du Nhà máy Thủy điện Đa Nhim trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đảm bảo lưu lượng và chất lượng nước cấp cho Nhà máy nước Tháp Chàm tại đập dâng Lâm Cấm với công suất thiết kế 92.000 m3/ngày-đêm, các nhà máy nước trên kênh Nam và kênh Bắc thuộc đập dâng Nha Trinh với công suất thiết kế khoảng 15.700 m3/ngày-đêm và cấp đủ nước phục vụ tưới cho cây trồng trong vụ hè-thu năm 2019 trong tình hình nguồn nước trên sông Dinh có nguy cơ bị thiếu hụt do lưu lượng chạy máy phát điện của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sẽ giảm thấp trong thời gian tới. Đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các DN đang khai thác cát trên Sông Dinh khẩn trương tháo dỡ các đường vận chuyển dưới lòng sông nhằm đảm bảo dòng chảy tại các đập dâng Nha Trinh và Lâm Cấm.
Trong khi đó, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi cũng đã có văn bản gửi các ngành liên quan đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra lại hồ sơ thiết kế kỹ thuật đối với các mỏ sử dụng phương tiện khai thác và các phương án đường vận chuyến dưới sông không đúng theo thiết kế làm thu hẹp lòng dẫn có nguy cơ gây sạt lở bờ sông để chấn chỉnh các hành vi khai thác không đúng theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt. Yêu cầu đối với từng DN khai thác cát nghiêm túc thực hiện đúng nội dung Giấy phép đã cấp và đúng quy định pháp luật về khoáng sản. UBND các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, UBND các xã, phường có các mỏ cát trên địa bàn quản lý tổ chức kiểm tra công tác hậu kiểm và đề xuất xử lý các DN không thực hiện đúng như cam kết; kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp thực hiện không đúng theo quy định. Đặc biệt đối với Mỏ cát xây dựng Phước Mỹ 1, phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm của Công ty TNHH Bách Hà Ninh Thuận đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện theo hồ sơ thiết kế và phương án khai thác được duyệt trong hoạt động khai thác cát; tiến hành thanh, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản không đúng theo hồ sơ mỏ cát đã được cấp phép.
Xuân Bính