Ghi nhận của phóng viên, các loại thịt như: thịt bò Úc, bò Mỹ, gà Mỹ, chân gà Brazil…đang được bày bán khá nhiều tại các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh với giá khá rẻ. Cụ thể như tại các siêu thị thịt bò Úc đang được bán với giá dao động từ 170.000 đồng – 355.000 đồng/kg (rẻ hơn thịt nội 10.000 - 15.000 đồng/kg); các loại thịt gà Mỹ được bày bán phổ biến với giá chỉ từ 18.000 đồng/kg (rẻ hơn thịt gà nội từ 20.000 - 25.000 đồng/kg); thịt lợn nhập về chỉ 50.000 - 80.000 đồng/kg (rẻ hơn thịt lợn nội địa từ 20.000 - 50.000 đồng/kg)…
Thịt bò ngoại được bày bán tại các siêu thị hiện đại tại TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện đang có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam bao gồm: Úc, Brazil, Hoa Kỳ, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Nga… Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, lượng thịt lợn nhập về Việt Nam qua các cảng của TP Hồ Chí Minh tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với khối lượng khoảng 5.647 tấn. Tính chung cả nước trong 4 tháng đầu năm đã chi 23,58 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, đối với mặt hàng thịt gà, theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 62.000 tấn thịt gà các loại với giá trị nhập khẩu đạt hơn 48,6 triệu USD. Như vậy, tính ra chưa đến 18.000 đồng mỗi kg thịt gà nhập Mỹ về Việt Nam.
Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân khiến thịt ngoại nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam là do giá thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu rẻ hơn thịt trong nước. Ngoài ra, do Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại dần bị gỡ bỏ, khiến thị trường trong nước và thị trường nước ngoài xích lại gần nhau.
Băn khoăn về “làn sóng” thịt ngoại nhập tràn vào thị trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới mức tiêu thụ của thịt nội địa, ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty Thanh Bình, cho biết với mức giá thịt gà 18.000 đồng/kg chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bởi hiện nay giá thành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam so với thế giới đang chênh lệch khoảng 30%.
"Gà Mỹ nhập khẩu về TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 18.000 đồng/kg có thể đây là những lô hàng được bán theo kiểu “black Friday” nghĩa là phía công ty Mỹ còn hàng tồn, giá nào họ cũng phải bán ra thị trường hoặc đây cũng có thể là những lô hàng cận hạn sử dụng nên mới bán giả rẻ. Tuy nhiên, để người tiêu dùng, nhà sản xuất không lo lắng, cơ quan nhà nước cần tìm hiểu, công bố giá sàn của gà nhập khẩu ra sao để người tiêu dùng và nhà sản xuất nắm được khi lựa chọn sản phẩm này", ông Bình nói.
Người tiêu dùng Việt Nam thường có thói quen dùng thịt tươi sống hơn thịt đông lạnh.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh từ lợn nên người tiêu dùng đang chuyển hướng sang dùng các loại thịt gia cầm, mức tiêu thụ của thịt gia cầm vừa qua tăng 20-30%. Tuy nhiên, khi thịt ngoại giá rẻ xâm nhập sẽ khiến tâm lý người tiêu dùng dao động, rất có khả năng người tiêu dùng chuyển hướng sang dùng thịt ngoại, khi đó sức tiêu thụ của thịt gia cầm trong nước sẽ giảm. Khi mức tiêu thụ giảm sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.
Thực tế, người tiêu dùng vẫn đang trong thời gian tìm hiểu và sử dụng thực phẩm tươi sống của nước ngoài. Chị Lê Thị Hà, ngụ quận 3 cho biết, người tiêu dùng rất khó đánh giá được chất lượng thịt ngoại so với thịt nội. Bởi khi mua hàng, đa số người dân chỉ dựa vào cảm quan, mắt nhìn, nếu thịt tươi, đỏ và cảm thấy ngon sẽ chọn mua. Hiện, nếu so sánh về giá thì thịt ngoại đang có giá “mềm” hơn so với thịt gia súc, gia cầm trong nước. Cũng vì giá rẻ nên một số người tiêu dùng sẽ chọn thịt ngoại thay cho thịt nội.
Theo bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập (Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao), chưa bao giờ ngành chăn nuôi trong nước phải chịu nhiều áp lực như hiện nay, do thịt ngoại giá rẻ đang đổ bộ. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước muốn giữ vững thị phần, cần sớm cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế chi phí sản xuất hướng để hạ giá thành sản phẩm. Cụ thể, các mặt hàng thực phẩm Việt Nam cần nâng cao chất lượng hơn nữa và cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ vững thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức