100 DN thành lập mới, 72 DN rút lui
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7/2019, có hơn 12.000 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký là 139.200 tỷ đồng (tăng 9,7% về số DN và tăng 14% về số vốn).
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 79.000 DN thành lập mới, vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%.
7 tháng đầu năm, số DN thành lập mới tăng, nhưng số DN ngừng hoạt động, phá sản cũng tăng. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN.
Tuy nhiên, cũng trong 7 tháng đầu năm, có hơn 57.000 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 16,2% so với cùng kỳ 2018).
Như vậy, cứ có 100 DN thành lập mới, thì lại có tới 72 DN rút lui khỏi thị trường theo hình thức tạm dừng hoạt động, chờ giải thể hoặc phá sản.
Trung bình, mỗi tháng có hơn 8.100 DN rút khỏi thị trường. Con số này cho thấy một phần năng lực cạnh tranh của DN còn yếu kém, phần khác thể hiện môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, DN tạm ngừng hoạt động thường là để tái cơ cấu danh mục đầu tư hoặc tạm thời dừng trước khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. "Có nhiều DN sẽ quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng kinh doanh. Tại các kỳ báo cáo, số lượng DN quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc cao hơn so với số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh", đại diện Cục này lý giải.
Trong 7 tháng qua, cũng có 24.300 DN quay trở lại hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn 23.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN
Việc các DN phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động là do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải, các DN yếu không còn khả năng tồn tại sẽ bị loại khỏi thị trường, thay vào đó là những doanh nghiệp tốt.
Tuy nhiên ở góc độ môi trường kinh doanh, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, công nghệ, đất đai, lao động, chi phí logistics của các DN hiện đang gặp khó khăn. Điều này cũng cản trở hoạt động của DN.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, tốc độ thành lập mới các DN đang giảm dần. Trong khi đó, có trên 5 triệu hộ kinh doanh “không muốn lớn” dù khu vực kinh tế này đang đóng góp tới 30% GDP và là "đội dự bị" hùng hậu nhất của cộng đồng DN.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, điểm nghẽn thể chế là chưa có một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các DN nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các DN này được đối xử công bằng như với các DN lớn và hộ kinh doanh.
"Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách vẫn rất lớn. Một trong những bất cập lớn được các địa phương và DN phản ánh hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật. Điển hình nhất là sự chồng chéo giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác", ông Lộc nhận định.
Ông Vũ Tiến Lộc dẫn chứng: Hiện, có sự xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai; chồng chéo thủ tục xin phép chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản; không thống nhất về lựa chọn nhà thầu thẩm tra thiết kế, dự toán giữa Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu...
VCCI đang tiếp tục tập hợp và thống kê các điểm chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp luật và sẽ báo cáo Thủ tướng vào tháng 12 tới.
Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sắp tới Chính phủ sẽ có một Nghị quyết về hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tuy nhiên, hỗ trợ của Chính phủ chỉ là một phần, bản thân các DN mới quyết định sự tồn tại của chính mình.
Ông Lâm dự báo, với tốc độ thành lập mới DN như hiện nay, sẽ có khoảng 970.000 - 980.000 DN vào cuối năm 2020, tiệm cận mục tiêu 1 triệu DN.
Theo TTXVN/Báo Tin tức