Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho thấy mức độ cong và xoắn của chiếc đĩa thiên hà này rất dễ nhận thấy và trông giống như một chiếc mũ đội đầu.
Một góc nhìn về dải ngân hà ở Hungary. Ảnh: EPA
Để lập nên bản đồ 3D chi tiết và quy mô hơn bao giờ hết về Dải Ngân Hà - nơi hội tụ của hơn 100 nghìn ngôi sao, trong đó bao gồm cả Mặt Trời của chúng ta, các nhà thiên văn học đã tập trung quan sát hơn 2.400 ngôi sao sáng chói nhất của Dải Ngân Hà - còn được giới khoa học gọi là biến quang Cepheid - với Kính viễn vọng Vácsava tại Đài thiên văn Las Campanas trên đỉnh Andes ở Chile.
Biến quang Cepheid là những thiên thể có độ sáng thay đổi theo chu kỳ đều đặn theo thời gian. Những ngôi sao này đặc biệt lớn và sáng gấp hơn Mặt Trời từ 100 - 10.000 lần, theo đó chúng có thể được quan sát thấy từ khắp thiên hà, qua các đám mây khí và bụi giữa các vì sao. Đặc biệt hơn nữa, đây là những ngôi sao trẻ - chưa đầy 400 triệu năm tuổi, do đó chúng vẫn còn ở rất gần nơi chúng đã được sinh ra.
Các nhà thiên văn học đã tính toán khoảng cách của chúng thông qua việc so sánh độ sáng thực sự của chúng với độ sáng của chúng đo được từ Trái Đất, đồng thời theo dõi các xung ổn định từ hơn 2.400 ngôi sao này và xác định vị trí của chúng trên mô hình 3D của thiên hà.
Trưởng nhóm nghiên cứu - nhà thiên văn học Dorota Skowron thuộc trường Đại học Vácsava (Ba Lan) khẳng định: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể sử dụng các thiên thể riêng lẻ để hiển thị điều này trong không gian ba chiều".
Nghiên cứu mới giúp chúng ta nhìn nhận thiên hà theo một cách hoàn toàn mới và cụ thể hơn so với sự hiểu biết trước đây về hình dạng và cấu trúc xoắn ốc của Dải Ngân Hà - vốn được xây dựng dựa trên các phép đo gián tiếp đến các mốc và suy luận thiên thể dựa trên các thiên hà khác trong vũ trụ bao la.
Theo TTXVN/Báo Tin tức