Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932)
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh năm 1908 tại làng Diêm Điền (nay thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, năm 17 tuổi, đồng chí lên Hà Nội làm công nhân Nhà in Mạc Đình Tư.
Đồng cảm với nỗi thống khổ của những công nhân trong nhà máy, đồng thời cũng sớm nhận ra sức mạnh to lớn của đội ngũ công nhân trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tiến tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đồng chí đã trực tiếp tham gia, vận động, tổ chức thành phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.
Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Quảng trường 14-10 (Thành phố Thái Bình). Nguồn: tuyengiao.vn.
Tháng 9/1927, đồng chí tham gia lớp huấn luyện chính trị do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc). Cũng từ đây, đồng gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Qua thực tiễn đấu tranh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về Công đoàn, đó là: “Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho thế giới”.
Trước yêu cầu đòi hỏi của phong trào công nhân, thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội.
Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 7 đồng chí. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời, phụ trách báo Lao động, tạp chí Công hội đỏ. Ngày 28/7 về sau được lấy làm Ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là vị lãnh đạo đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt.
Tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp bắt khi đang hoạt động tại Nghệ An và bị chúng giết hại vào ngày 31/7/1932 khi mới 24 tuổi.
Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, từ năm 2007, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định lập giải thưởng nhằm tôn vinh những công nhân lao động tiêu biểu, xuất sắc mang tên “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh”.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Hoàng Quốc Việt (1905-1992)
Đồng chí Hoàng Quốc Việt sinh ngày 28/5/1905, tại Đáp Cầu, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Ðồng chí Hoàng Quốc Việt, tên thật là Hạ Bá Cang, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người lãnh đạo xuất sắc của Ðảng và giai cấp công nhân Việt Nam.
Năm 1925, từ khi còn là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng, đồng chí đã tham gia bãi khóa, biểu tình để phản đối thực dân kết án nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
Năm 1936, sau khi được thực dân Pháp trả tự do, đồng chí về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí khôi phục tổ chức Ðảng và các tổ chức cách mạng khác ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, được Ðảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Ðảng…
Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” đã chính thức được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.
Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ nhất (tháng 1/1950) đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch.
Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn sâu sát thực tiễn, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Những người đã từng cộng tác hoặc tiếp xúc với đồng chí Hoàng Quốc Việt đều có chung ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của một đảng viên kiên trung, bất khuất, liêm khiết, có tác phong bình dị, cởi mở và chân thành, đặc biệt quan tâm đến người lao động; một đồng chí lãnh đạo có tính nguyên tắc cao, sắc sảo, linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan dung.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm Xí nghiệp công ty hợp doanh Cao su Phạm Hiệp
(thuộc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 6/2/1987. Nguồn: Tuổi trẻ
Nguyễn Văn Linh (1915-1998)
Đầu năm 1976, nước CHXHCN Việt Nam ra đời đã tạo điều kiện cơ bản để thống nhất tổ chức Công đoàn trên phạm vi cả nước.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, từ tháng 1/1976 Tổng Công đoàn Việt Nam và Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện cho việc thống nhất tổ chức Công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày 6/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”.
Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV (tháng 5/1978) đồng chí Nguyễn Văn Linh, được bầu làm Chủ tịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915 (19/5 Ất Mão) tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, đồng chí Nguyễn Văn Linh thuộc lớp công nhân công nghiệp đầu tiên ở nước ta, những người đã trưởng thành từ phong trào công nhân, hoạt động công đoàn và sau đó trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam từ năm 1978 đến năm 1980.
Trên cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo các cấp công đoàn, tập hợp, vận động công nhân, lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành kế hoạch; đẩy mạnh phong trào công nhân viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp; ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, củng cố quốc phòng; tổ chức và từng bước cải thiện đời sống, phát triển phúc lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân viên chức; vận động cán bộ viên chức tích cực tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; đẩy mạnh giáo dục chính trị, văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ cho công nhân; tích cực góp phần tăng cường đoàn kết lao động và phong trào công đoàn thế giới đấu tranh vì quyền lợi của những người lao động, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; cải tiến phương pháp công tác, xây dựng công đoàn vững mạnh.
Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (từ Đại hội VI), đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp tục quan tâm và chỉ đạo sự nghiệp đổi mới công đoàn. Để đổi mới hoạt động công đoàn, đồng chí lưu ý trước hết người cán bộ công đoàn phải đổi mới tư duy và phong cách, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27/4/1998.
Nhằm tôn vinh cán bộ công đoàn có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phát triển bền vững, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi xướng giải thưởng mang tên “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh”.
Lần đầu tiên, Giải thưởng Nguyễn Văn Linh được trao cho 10 cán bộ công đoàn tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (1929-2019).
Theo www.chinhphu.vn