Lợi ích kép
Có mặt tại phiên chợ diễn ra ở xã Phước Thái (Ninh Phước) từ ngày 8 đến 10-7 vừa qua, chúng tôi ghi nhận lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm khá đông đúc. Phiên chợ có 12 đơn vị tham gia, với 25 gian hàng, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày như: Quần áo, dày dép, đồ gia dụng, hóa phẩm, thực phẩm…
Người dân mua sắm tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tổ chức tại xã Phước Thái (Ninh Phước).
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở thôn Thái Giao, xã Phước Thái (Ninh Phước) cho biết: Bận rộn với công việc đồng áng nên cả mùa hè tôi chưa có thời gian đi mua quần áo cho con. Nhân có phiên chợ, tranh thủ buổi tối khí hậu mát mẻ, tôi dẫn con đi mua mấy bộ quần áo mùa hè. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng phù hợp với điều kiện kinh tế của các gia đình ở nông thôn, chất lượng tương xứng. Trong khi đó, ở phương diện là người bán hàng, anh Lê Bá Thái, chủ Cơ sở nội thất đồ gỗ Hiền Thái, ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Mục tiêu của tôi đến với các phiên chợ là giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến với mọi người.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán trà trộn trên thị trường như hiện nay, việc tổ chức phiên chợ đã giúp người dân vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận với những mặt hàng đảm bảo chất lượng, xuất xứ và giá cả hợp lý, theo kiểu “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Nhờ vậy, nhận thức về tiêu dùng hàng Việt của người dân được tăng lên. Về phía nhà sản xuất, đây là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng. Đồng thời, qua đó tìm hiểu phân khúc thị trường tại vùng nông thôn, miền núi, nhằm đưa ra phương án kinh doanh hợp lý. Không chỉ kích thích tiêu dùng, các hoạt động này trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất với khách hàng.
Còn những khó khăn, bất cập
Lợi ích kép từ các phiên chợ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc tổ chức các phiên chợ còn gặp một số trở ngại, dẫn đến hiệu quả chương trình chưa được như kỳ vọng. Đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, cho biết: Theo quy định, địa điểm tổ chức các phiên chợ phải đảm bảo sự thông thoáng, sạch sẽ, có điện, nước, gần khu dân cư đông đúc. Đáp ứng được các tiêu chí này, thời gian qua, các phiên chợ thường được tổ chức tại các xã gần trung tâm huyện như Lợi Hải, Phước Đại, Lương Sơn, Phước Nam, Phước Thái. Trong khi đó, cư dân tại một số vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh sống khá phân tán, việc tổ chức các phiên chợ gặp khó khăn, nên người dân các xã vùng sâu, vùng xa như Phước Hà, Phước Vinh, Ma Nới, Phước Bình, Phước Chiến… ít có cơ hội tiếp cận hàng Việt giá rẻ.
Bên cạnh đó, mặc dù tham gia các phiên chợ được hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện, nước, an ninh trật tự, chi phí vận chuyển, nhưng một số doanh nghiệp, nhà sản xuất không mặn mà vì lợi nhuận thấp nên số doanh nghiệp, gian hàng tham gia các phiên chợ giảm dần. Nếu như đợt tổ chức vào năm 2011, mỗi phiên chợ thu hút khoảng 25 đơn vị tham gia với 40 gian hàng, thì từ năm 2016 đến nay, mỗi phiên chợ chỉ đạt quy mô khoảng 10 đến 12 hoặc chỉ là 15 doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia với khoảng 25 đến 27 gian hàng, giảm gần một nửa. Phần lớn các đơn vị tham gia phiên chợ là những hộ sản xuất cá thể, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chỉ tập trung sản xuất duy nhất một mặt hàng, ít có sự thay đổi về mẫu mã. Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao các phiên chợ hiện nay khá đơn điệu về nhóm hàng, mặt hàng và cả mẫu mã.
Đồng chí Phạm Thanh Bình, cho biết thêm: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia nhằm làm phong phú hơn số lượng sản phẩm hàng hóa ở mỗi phiên chợ. Tiếp nối thành công của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa qua, đơn vị đã làm việc với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương bàn về vấn đề xây dựng một số điểm bán hàng cố định tại các xã vùng sâu, vùng xa để tăng cơ hội tiếp cận hàng Việt cho người dân nông thôn, miền núi và khắc phục tình trạng “buôn phiên, bán chuyến” như hiện nay. Qua đó, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng, loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ngọc Diệp