Công tác truyền thông phòng, chống tội phạm (PCTP) được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, tăng cả tần suất, thời lượng, nội dung, hình thức biện pháp tuyên truyền, tạo được lòng tin và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.
Toàn tỉnh xảy ra 108 vụ, trong đó trọng án 4 vụ, thường án 104 vụ. Hậu quả làm chết 5 người, bị thương 19 người, thiệt hại tài sản khoảng hơn 1,29 tỷ đồng. Lực lượng chức năng kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 30,32% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt 83,33% (vượt 5,33% so với chỉ tiêu đề ra). Đây là kết quả của sự vào cuộc toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh PCTP, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác PCTP và vi phạm pháp luật; các Chương trình quốc gia về PCTP, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người; Chiến lược quốc gia PCTP giai đoạn 2016-2025 tầm nhìn đến năm 2030…
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội… Qua đó, đã giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đấu tranh PCTP và vi phạm pháp luật; tạo sự chuyển biến tích cực trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Công an tỉnh đã chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp, phương án phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường công tác nắm tình hình quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, các lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm pháp luật, nhất là quản lý đối với người có tiền án, tiền sự, những người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, người đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, người nghiện ma túy, đối tượng tâm thần… nên tình hình tội phạm đã được kiềm chế, hầu hết các loại tội phạm đều giảm.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của UBND tỉnh tình hình hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tình hình tội phạm xâm phạm trẻ em, quyền sở hữu, ma túy vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng. Trong 6 tháng đầu năm, tội phạm xâm phạm quyền sở hữu xảy ra 75/108 vụ, chiếm 69,44%; tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 30 vụ, 52 đối tượng liên quan đến ma túy; trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 911 đối tượng liên quan đến ma túy tại 48/65 xã, phường, thị trấn, tăng 141 đối tượng so với cùng kỳ năm 2018.
Để công tác đấu tranh PCTP đạt hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác PCTP và vi phạm pháp luật; các Chương trình quốc gia về PCTP, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người… Đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, tố giác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; chú trọng các đối tượng có nguy cơ cao, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, quan tâm phát hiện xử lý sớm các mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy… Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tăng cuờng các biện pháp PCTP và các hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức nắm bắt, phân tích, dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu, ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác PCTP phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh không để xảy ra bị động, bất ngờ. Tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính. Tăng cường các nguồn lực cho công tác PCTP.
* Tại kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa X đã thông qua Nghị quyết Quy định mức đóng góp của người cai nghiện ma túy tự nguyện (hoặc gia đình người cai nghiện ma túy); mức ngân sách nhà nước bảo đảm các khoản chi phí cai nghiện; hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh. Với việc ban hành nghị quyết này, các đối tượng cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm một phần kinh phí để thực hiện điều trị, cai nghiện ma túy.
* Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Quyết định số 313⁄2019/QĐ-LĐTBXH về việc công bố các thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bãi bỏ lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Quyết định 313 quy định danh mục TTHC bãi bỏ đối với TTHC cấp Trung ương, cấp tỉnh và TTHC cấp xã.
Đối với cấp tỉnh, TTHC được bãi bỏ gồm: Đưa người nghiện ma túy, người bán dâm tự nguyện vào cai nghiện, chữa trị, phục hồi tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; chế độ thăm gặp đối với học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Đối với cấp xã, TTHC được bãi bỏ gồm: Hoãn chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng; miễn chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng
Bình An-XB