Ông Tạ Yên Mơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 cộng đồng người DTTS cùng chung sống, trong đó dân tộc Raglai chiếm 92,84%, với 817 hộ/3.399 khẩu, dân tộc Chăm có 20 hộ/77 khẩu, chiếm 2,27%, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Quỹ đất sản xuất ít lại không được bằng phẳng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước thiếu thốn là những trở ngại lớn trong phát triển kinh tế ở Phước Hà. Chính vì vậy, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Phước Hà đã sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước để ổn định, từng bước nâng cao mọi mặt đời sống đồng bào DTTS.
Nhờ tác động tích cực của các chương trình hỗ trợ, bà con dân tộc thiểu số Phước Hà
có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Đầu tiên phải kể đến sự nỗ lực trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi. Mỗi một nguồn đầu tư phân bổ, chính quyền địa phương xem xét kỹ lưỡng nhằm lựa chọn, tìm ra hướng đi phù hợp điều kiện thực tế, nhu cầu sản xuất và tập quán sản xuất của đồng bào DTTS. Cụ thể mục tiêu đó, trong năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phước Hà lựa chọn, phân bổ 521 triệu đồng triển khai và nhân rộng mô hình hỗ trợ thức ăn chăn nuôi và bò cái sinh sản cho các hộ nghèo tại 2 thôn Tân Hà và Rồ Ôn; họp bàn, chủ động đề xuất khoản đầu tư 400 triệu đồng của UBND huyện Thuận Nam vào mô hình trồng bưởi da xanh kết hợp mít Thái trên diện tích 10 ha, quy mô 27 hộ dân tham gia tại cánh đồng Khu Anh Dũng. Bước đầu, các mô hình đang cho thấy hiệu quả tích cực và mang lại niềm vui, niềm hy vọng mới cho đồng bào DTTS trên địa bàn xã.
Cùng với đó, Đảng ủy, chính quyền xã Phước Hà còn chú trọng thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc cho nhân dân trên địa bàn xã. Năm 2018 toàn xã có 129 lao động được giới thiệu đi làm ăn xa tại các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang thị trường Ả Rập Xê-út, Nhật Bản. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Xã cũng đã tổ chức 2 lớp dạy nghề kỹ thuật trồng lúa nước năng suất cao và kỹ thuật trồng bưởi da xanh cho 70 học viên. Chính sách cho vay vốn phát triển kinh tế được các hội, đoàn thể tích cực triển khai và mang lại hiệu quả. Tính đến tháng 4 năm 2019, toàn xã có 632 hội viên thuộc Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 21 tỷ đồng.
Ngoài ra, để chăm lo đời sống cho bà con đồng bào DTTS, xã Phước Hà quan tâm, triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo… Hàng tháng, xã tiếp nhận và chi trả cho 153 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền hơn 215 triệu đồng, 103 người có công với số tiền gần 850 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm, xã tiếp nhận hơn 3.500 suất quà với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng từ các nhà tài trợ trao tặng cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người neo đơn. Đặc biệt, năm 2018, trên địa bàn xã có 17 hộ gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở. Với sự quan tâm, hỗ trợ này đã giúp bà con đồng bào DTTS Phước Hà vượt qua những khó khăn trước mắt và ổn định tâm lý, chăm lo làm ăn.
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phước Hà tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế… bước đầu phục vụ cơ bản nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong năm 2018, xã đã đầu tư 924 triệu đồng xây dựng, nâng cấp, sửa chữa Trường TH Trà Nô; 122 triệu đồng thực hiện công trình Thắp sáng đường quê; 103 triệu đồng duy tu, bảo dưỡng cầu treo Sông Gia tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn. Đến nay, xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Tạ Yên Mơn cho biết thêm: Phước Hà hiện có 98% hộ dân được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm theo từng năm, sức khỏe người dân được chăm lo tốt, số trẻ em đến trường đạt mục tiêu đề ra, trình độ sản xuất nông - lâm nghiệp chuyển biến rõ nét... Mặc dù số hộ nghèo của xã hiện vẫn còn trên 50% song vẫn đảm bảo mức giảm theo chỉ tiêu đề ra. Nhìn chung, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay; đời sống tinh thần nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng được chăm lo, cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững.
Hà Anh