Loài người vẫn luôn nhận thức được những nguy cơ lớn do tình trạng tăng trưởng dân số không bền vững đem lại. Do đó, từ năm 1987, ngày thế giới đón công dân thứ 5 tỷ, 11-7, đã được chọn là Ngày Dân số thế giới để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người về hậu quả của dân số tăng quá nhanh, kéo theo sự cạn kiệt tài nguyên, môi trường sống bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái và các quyền của con người không đủ điều kiện để thực hiện, cũng như tình trạng suy giảm chất lượng dân số.
Người dân Ấn Độ trên đường phố ở Kolkata.
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, tốc độ tăng dân số trên thế giới đang giảm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Tuy nhiên, dù “quả bóng” dân số đang giảm tốc độ phình ra thì lượng dân cư khổng lồ hiện nay vẫn kéo theo hàng loạt vấn đề về môi trường, nghèo đói, phát triển, giáo dục, di cư… Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh cũng đang đặt ra nhiều thách thức.
Ấn Độ là quốc gia có tốc độ tăng dân số cao nhất thế giới hiện tại cũng như trong tương lai. Dự báo, nước này sẽ vượt Trung Quốc về số dân vào năm 2027. LHQ ước tính từ nay đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2 tỷ người và một nửa trong số này ở 9 quốc gia gồm Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, CHDC Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ. Ngoại trừ Mỹ, 8 quốc gia còn lại là các nước đang phát triển và việc tăng dân số tạo ra gánh nặng lớn liên quan đến môi trường, tài nguyên, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới, quyền con người, quyền được chăm sóc sức khỏe, sức khỏe của em bé...
Nhiều năm qua, các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, đã nỗ lực thực hiện các chương trình kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, kiểm soát sinh đẻ nhằm giảm tốc độ gia tăng của dân số thế giới. Từ năm 1975, Ấn Độ bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát dân số triệt để với gần 8 triệu đàn ông, song các biện pháp này hầu như không ảnh hưởng tới tốc độ tăng dân số.
Sau 50 năm kể từ Tuyên bố Tehran 1968 khẳng định “một quyền cơ bản của cha mẹ là có thể quyết định số trẻ và khoảng cách sinh giữa những đứa con của mình”, tại các khu vực đang phát triển, khoảng 214 triệu phụ nữ vẫn không được tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả vì hàng loạt các nguyên nhân, từ thiếu kiến thức hay dịch vụ cho đến thiếu sự hỗ trợ từ người thân hay cộng đồng. Điều này đe dọa khả năng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân họ, gia đình và cộng đồng.
Bức tranh dân số lại hoàn toàn khác ở nhiều quốc gia phát triển. Năm 2010, có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận dân số giảm ít nhất 1% do tỷ lệ sinh thấp. Dự báo từ nay đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, và một nửa trong số này, dân số sẽ giảm tới 10%.
Già hóa là một trong các vấn đề dân số mới nổi lên trong bối cảnh tốc độ tăng dân số tại các nước phát triển lại giảm mạnh, thậm chí về 0. Ước tính, đến năm 2050, thế giới có hơn hai tỷ người trên 60 tuổi, nhiều gấp đôi năm 2017. Già hóa dân số gây áp lực cho hệ thống y tế, hưu trí, thị trường lao động và dịch vụ cho người cao tuổi. Tháng 6 vừa qua, các lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã lần đầu tiên nhất trí coi già hóa dân số là nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, nhiều nền kinh tế đang không cập nhật hệ thống hưu trí và việc làm cho phù hợp với những thay đổi này. Điều này dẫn đến rủi ro tài chính và nợ cho cả nền kinh tế cũng như từng cá nhân.
Với dân số giảm 10 năm liên tiếp và tỷ lệ sinh thấp nhất trong gần 40 năm, Nhật Bản hiện là quốc gia phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng nhất. Đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đã phải cải cách luật lao động, phát triển công nghệ hỗ trợ người cao tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và thúc đẩy việc tự hoạch định tài chính cho từng cá nhân... Bên cạnh những vấn đề liên quan già hóa dân số, việc dân số giảm lại thúc đẩy nhập cư và những dòng người di cư đã trở thành tác nhân chính tạo ra sự thay đổi về dân số tại một số khu vực. Bangladesh, Nepal và Philippines đang chứng kiến những dòng người xuất khẩu lao động lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Syria và nhiều quốc gia châu Phi, Trung Mỹ lại đang là quê hương của những dòng người di cư để tránh bạo lực, đói nghèo và bất ổn. Đối với các quốc gia đang có dân số sụt giảm, nhập cư sẽ giúp cân bằng khoảng cách, đặc biệt là ở Belarus, Estonia và Đức. Theo thống kê của Đức công bố hồi tháng 6 vừa qua, dân số Đức đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 83 triệu nhờ dòng người nhập cư và dự báo sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến năm 2024.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận người di cư và xây dựng các chính sách an cư cho những người này cũng lại là vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ tại nhiều quốc gia và khối liên minh. Điển hình là tại châu Âu, khi Italy, cửa ngõ vào châu Âu của những người tị nạn châu Phi, từ chối cho các tàu cứu hộ người di cư trên biển cập cảng, bất chấp lời kêu gọi của các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức.
Thúc đẩy các sáng kiến kế hoạch hóa gia đình, tăng cường giáo dục cho phụ nữ và cải thiện hệ thống y tế nhằm đảm bảo sự phát triển cơ bản và các quyền của con người cho mọi công dân được sinh ra trên Trái Đất..., đây là mục tiêu mà các quốc gia nghèo và đang phát triển, những nước đối mặt với sự bùng nổ dân số, đang nỗ lực thực hiện. Trong khi đó, cải thiện chính sách an sinh xã hội, nhập cư và lao động lại là những vấn đề cần các quốc gia phát triển chú trọng nhằm hạn chế ảnh hưởng do tỷ lệ sinh và quy mô dân số giảm.
Bức tranh dân số mỗi quốc gia khác biệt, song vấn đề dân số lại là vấn đề toàn cầu với những mối lo chung về môi trường, hạ tầng và chính sách cần có những quyết sách mang tầm vĩ mô và sự phối hợp của nhiều quốc gia để tìm ra những giải pháp “lợi cả đôi đường”.
Theo TTXVN