* Trong nước:
- Từ ngày 15-6 đến 24-10-1950: Chiến dịch Phan Đình Phùng.
Chiến dịch diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị do Bộ tư lệnh phân khu Bình Trị Thiên tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy với quy mô hai trung đoàn.
Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, giáng đòn phủ đầu quân cơ động của Pháp mới được tổ chức trên chiến trường Bình Trị Thiên, lấy thắng lợi của chiến dịch thúc đẩy cuộc chiến tranh du kích ở Bình Trị Thiên lên đỉnh cao mới.
Kết quả toàn chiến dịch, ta diệt 540 tên, làm bị thương 300 tên, bắt 20 tù binh, phá hủy 1 đoàn tàu bọc thép, 40 xe vận tải, bắn rơi 1 máy bay, thu hàng trăm súng các loại.
- Ngày 15-6-1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.
Trong chuyến thăm, Bác đã ghi nhận, biểu dương những thành tích đồng thời Người cũng nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế còn tồn tại của đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trên nhiều lĩnh vực. Nhưng có lẽ sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị là những lời dạy của Người về công tác xây dựng Đảng.
Trong đó về việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, Người nghiêm khắc chỉ ra: “Có hiện tượng trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết kém...” và Bác phân tích: “Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa cho kỳ được”.
- Ngày 15-6-2017: Việt Nam tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố: Việt Nam xếp hạng thứ 47/127, vượt 12 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 59). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay là do việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 2 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng.
Chính phủ đã đặt mục tiêu “Đến năm 2020, các chỉ số đổi mới sáng tạo đạt trung bình ASEAN 5” (tức là đứng sau Singapore, Malaysia, đứng trên Thái Lan và một nước Đông Nam Á khác).
* Quốc tế
- Ngày 15-6-1919: Chuyến bay một mạch đầu tiên vượt Đại Tây Dương.
Sau khi tờ báo Dailymail của Anh treo giải thưởng 10.000 bảng Anh cho phi công nào vượt Đại Tây Dương sang châu Mỹ mà không nghỉ, hai phi công John William Alcock và Arthur Brown đã nhận lời thách thức này. Họ đã dùng chiếc máy bay Vickers Vimy hai động cơ, với 3.200 lít xăng để thực hiện chuyến bay lịch sử này.
Một tàu Soyuz rời bệ phóng trước khi bay lên không gian.
Để vượt qua chặng đường dài 3.185 km từ Đại Tây Dương sang châu Mỹ, hai viên phi công đã phải rất vất vả, vượt qua vùng gió bão và thực hiện thành công chuyến bay lịch sử này trong khoảng thời gian 16 giờ 12 phút.
Thành công của hai viên phi công được dân chúng chúc mừng như hai vị anh hùng.
- Ngày 15-6-1978: Liên Xô phóng thành công tàu Soyuz-29.
Soyuz-29 (Liên Hợp-29) là chuyến bay có người lái thứ 5 đưa các nhà du hành vũ trụ lên làm việc tại trạm không gian Salyut-6 (Chào mừng-6).
Phi hành đoàn Soyuz-29 gồm Vladimir Kovalyonok và Aleksandr Ivanchenkov.
Sau khi kết nối thành công với Salyut-6, Kovalyonok và Ivanchenkov đã khởi động lại các thiết bị, đồng thời triển khai các thiết bị mang theo từ mặt đất.
Song song với Soyuz-29, Liên Xô đã tiến hành hai nhiệm vụ ngắn hơn là Soyuz-30 và Soyuz-31. Đã có thêm 4 phi công vũ trụ lên làm việc trên Salyut-6 cùng với Kovalyonok và Ivanchenkov. Các thành viên Soyuz-29 và Soyuz-31 đã đổi tàu vũ trụ cho nhau với mục đích đảm bảo hạn sử dụng của 2 phi thuyền không gian.
Ngày 2-11-1978, Kovalyonok và Ivanchenkov đã trở về Trái Đất an toàn. Tổng cộng nhiệm vụ Soyuz-29 kéo dài 79 ngày.
Theo TTXVN