Nổi lên là hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu, đơn vị tổ chức theo dõi, quản lý 8 nhiệm vụ cấp quốc gia chuyển tiếp sang năm 2019 tiếp tục thực hiện; đồng thời triển khai mới Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa đạt năng suất và hiệu quả cao tại Ninh Thuận”; tham mưu tổ chức họp Hội đồng KH&CN cấp tỉnh đánh giá hồ sơ đề xuất dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi thực hiện năm 2020, kết quả thống nhất đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh một số loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái”. Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, đơn vị tổ chức quản lý, theo dõi triển khai 24 nhiệm vụ chuyển tiếp; trong đó, đã nghiệm thu 9 nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện 15 nhiệm vụ. Tiến hành ký kết hợp đồng triển khai mới 3 nhiệm vụ; tổ chức họp Hội đồng tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN, xây dựng Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.
Mô hình nuôi ốc hương trong bể xi măng tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) đạt hiệu quả kinh tế cao.
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, Sở KH&CN đã làm tốt công tác định hướng các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học đăng ký các đề tài nghiên cứu sát với tình hình thực tế của tỉnh. Nếu như trước đây, nội dung nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ còn mang tính dàn trải, thì hiện nay đã bám sát vào mục tiêu phục vụ phát triển các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, như: năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao. Nhằm nâng tầm thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị các sản phẩm đặc thù của tỉnh, hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ cũng được ngành KH&CN chú trọng thực hiện. Nửa năm 2019, đã hướng dẫn hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 8 lượt doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Kính cường lực Hùng Phát; hộ kinh doanh Sáu Vinh, hộ kinh doanh quán dê Hoàng Sơn, Trung tâm ngoại ngữ Let’s learn, Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, hộ kinh doanh cà phê Tân Đức, Công ty TNHH Star Nhật Bản, Công ty TNHH măng tây Trinh. Triển khai mới 1 Dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận thịt bò Ninh Thuận”; phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo đối với 3 quy chế trong việc sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Nha đam Ninh Thuận.
Sở KH&CN cũng đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 961/KH-BPTCSPĐT ngày 15-3-2019 của Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh về triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đã ký kết triển khai mới Đề án: “Ứng dụng tem điện tử thông minh trong việc truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh”, với tổng kinh phí hơn 818 triệu đồng và đang xúc tiến các thủ tục hỗ trợ 2 mô hình bao lưới táo và nho. Việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 1680/KH-UBND ngày 22-4-2019 của UBND tỉnh về hỗ trợ thí điểm doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm đặc thù năm 2019 bước đầu có hiệu quả, đã hỗ trợ 8 dự án ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp của các HTX, Tổ hợp tác theo kế hoạch.
Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) thực hiện mô hình trồng táo trong nhà lưới cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: U.T
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã chỉ đạo, điều hành tập trung triển khai đầy đủ, cơ bản hoàn thành 5/5 nhiệm vụ UBND tỉnh giao. Hoạt động KH&CN phong phú hơn, các thành tựu KH&CN được ứng dụng vào thực tiễn đời sống và sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tổ chức triển khai hiệu quả Đề án: “Ứng dụng tem điện tử thông minh trong việc truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh”; xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù gắn với thương hiệu và thị trường tiêu thụ.
Anh Tùng