Ðây là môi trường thuận lợi để mọi người có thể tương tác, tâm sự, giãi bày, chia sẻ tâm tư tình cảm thể hiện quan điểm chính kiến của mình cũng như học hỏi lẫn nhau. Và sẽ không có gì phải bàn luận nếu các mạng xã hội không bị một số đối tượng lợi dụng để phục vụ mục đích thiếu trong sáng, thậm chí là bất lương, mà hệ lụy là hiện tượng tiêu cực trên mạng xã hội đang trở thành một vấn nạn đối với chính cả những người sử dụng mạng xã hội cũng như đời sống hằng ngày.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã ra nhiều quyết định xử phạt những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng Facebook. Ðơn cử: Một thanh niên ở Nam Sách (Hải Dương) bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc; một phụ nữ ở TP Ðiện Biên Phủ (Ðiện Biên) bị phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; một phụ nữ ở Bảo Lộc (Lâm Ðồng) bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai về thịt lợn nhiễm sán; một phụ nữ ở Hà Nội bị xử phạt 20 triệu đồng vì tung tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi; bốn người ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã bị xử phạt mỗi người 7,5 triệu đồng vì sử dụng facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ thông tin, bình luận bằng lời lẽ lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và công an địa phương… Ðáng chú ý, trong danh sách cá nhân sử dụng Facebook để đăng tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, làm ảnh hưởng uy tín người khác có cả một số cán bộ, đảng viên đã bị tổ chức Ðảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật và cơ quan chức năng xử phạt. Ðiển hình là các trường hợp: Ông Trần Ðức Anh Sơn ở Ðà Nẵng bị khai trừ khỏi Ðảng, ông Quách Duy ở TP Hồ Chí Minh bị xử phạt 7,5 triệu đồng, ông Lê Hữu Thuận ở Hà Tĩnh bị cách chức Phó Bí thư chi bộ và đình chỉ công tác giảng dạy...
Cần xem xét tình trạng nêu trên trong bối cảnh mà theo Báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng định kỳ lần ba của Facebook công bố ngày 23-5-2019 cho biết thì trong ba tháng đầu năm 2019, mạng xã hội này đã vô hiệu hóa 2,19 tỷ tài khoản, gấp hai lần so với số 1,2 tỷ tài khoản bị vô hiệu hóa trong ba tháng cuối năm 2018. Cũng theo Facebook, trong số 2,38 tỷ tài khoản người dùng vẫn hoạt động hằng tháng ước tính có khoảng 5% số tài khoản là giả mạo. Với Việt Nam, trong báo cáo minh bạch công bố vào ngày 24-5-2019, Facebook cho biết trong sáu tháng cuối năm 2018, Facebook đã hạn chế quyền truy cập 1.553 bài đã đăng và ba chủ tài khoản, trong khi sáu tháng đầu năm 2018 có 265 hạn chế tương tự. Ước tính đến nay tại Việt Nam có 61 triệu người dùng Facebook, song người Việt Nam không chỉ sử dụng Facebook, mà còn ưa thích các mạng xã hội có xuất xứ từ nước ngoài và trong nước như: Youtube, Instagram,... Zalo, Mocha... Thực tế, một khi internet (in-tơ-nét) bị lợi dụng để phục vụ cho các mục đích đen tối thì trên các mạng xã hội, nhất là các trang mạng xuất xứ từ nước ngoài (nổi lên là Facebook, Youtube) đã xuất hiện rất nhiều hiện tượng tiêu cực mà phổ biến là tình trạng lợi dụng mạng xã hội để vu khống, bôi nhọ tổ chức và cá nhân, quảng cáo bất hợp pháp, trốn thuế... Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì hiện trên Facebook tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage (trang Facebook mà người chủ sở hữu có thể kết nối, tạo một cộng đồng có điểm chung nào đó) đã đăng tải nhiều bài vở, dòng trạng thái (status) có nội dung vu khống, bịa đặt, chống phá chính quyền, vu cáo, phỉ báng cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân; nhiều hội nhóm phản động lợi dụng Facebook để nói xấu, dựng chuyện, kích động nhằm mục đích chính trị...
Thực tế tình trạng nêu trên ở nước ta không phải là cá biệt, mà đã trở thành vấn nạn trên toàn cầu. Theo nhận xét của J.Rappoport (J.Ráp-pô-pót) - nhà nghiên cứu và phóng viên điều tra tự do, hiện sống ở San Diego, California (Mỹ) công bố trên trang nomorefakenews (không thêm tin giả), trên các mạng xã hội, hầu hết hàng tỷ người đang hằng ngày “bận tâm với việc đăng tải hình ảnh bản thân, phát ngôn thiển cận và nông cạn, hoặc đang bị biến thành đối tượng bị thôi miên, bị cuốn vào ống hút khổng lồ có quy mô toàn cầu, tiếp nhận các tin tức giả đã được nhào nặn làm ra vẻ quan trọng, chắc chắn, như thật. Tâm trí thụ động sẽ càng thụ động hơn với các thông tin giả tạo ra đời từ một thế giới ảo lại được coi như là thực tế”. Thực trạng hoạt động của Facebook và Youtube tiếng Việt cũng phần nào cho thấy nhận xét đó là có cơ sở. Bên những người sử dụng mạng xã hội như nhịp cầu kết nối, giao lưu, tâm sự, kết bạn, chia sẻ, thể hiện sở thích lành mạnh, giúp đỡ nhau, cổ vũ hoạt động hữu ích với cộng đồng, trao đổi, thảo luận vấn đề cùng quan tâm,… cũng có không ít người hằng ngày lên mạng xã hội chỉ nhằm mục đích rình mò khai thác loại tin tức gợi tò mò, không thể kiểm chứng, sử dụng thuyết âm mưu để bình luận, đưa ra giả thuyết giật gân, suy đoán không bằng chứng,... nhằm tạo hội chứng đám đông, đẩy sự việc theo chiều hướng xấu để phục vụ mục đích cá nhân đen tối và thiếu trong sáng của mình. Ðiển hình của hiện tượng này là mỗi khi có cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vì vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng xử lý tham nhũng, cán bộ lãnh đạo cấp cao ốm mệt,… là thông tin thiếu thiện chí, vô lương tâm lập tức được sản xuất, với mẫu số chung là “đấu đá nội bộ, phe phái”, “trả thù”, “thủ tiêu”, “hạ độc” để đưa lên mạng xã hội. Loại tin tức như vậy nhằm mục đích lợi dụng những người tò mò, hiếu kỳ, nhưng thiếu tỉnh táo, thiếu bản lĩnh mà phụ họa theo, làm tin xấu lan rộng.
Thủ đoạn khai thác, xuyên tạc thông tin trên đây được kẻ xấu kết hợp chặt chẽ với thủ đoạn dựng chuyện, bịa tin giả,… mà mục đích cuối cùng là vu khống, công kích những cá nhân, tổ chức trong ý định đen tối của chúng. Ðể lu loa về tình trạng ô nhiễm ở các tỉnh ven biển miền trung, kẻ xấu đã không ngại ngần chi phối cảm xúc của người tiếp xúc thông tin bằng cách sử dụng cả ảnh cá chết ở hồ Mona (Michigan - Mỹ). Hay sự chi phối, đeo bám dai dẳng của tin giả về cái gọi “mật ước Thành Ðô” cũng là thí dụ cụ thể. Ngày 30-11-2010, trên blog nguoiduatinkami Kami bịa tin “Wikileaks công bố một tài liệu “tuyệt mật” động trời liên quan đến Việt Nam”. Tin bịa đặt này đã nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt và gây bức xúc. Sau đó, ngày 6-12-2010, Kami công bố một bài bày tỏ “ấn tượng bởi hiệu ứng sốc của cả một hệ thống” từ thông tin do anh ta bịa đặt. Kami hả hê và buồn cười vì “từ một sự giả thiết… lại bị hiểu và chế biến để thành một tin động trời”, cho rằng “hình như hầu hết các bạn đọc chỉ đọc được phần đầu của bài đã sốc, đã hoảng loạn tâm trí vì nó sốc quá mà không chịu đọc hết, có bạn thì tới mức bảo tin này như búa giáng vào đầu, thế là chửi”. Nhận xét của Kami cho thấy sự vô trách nhiệm, vô ý thức của nhiều người sau khi tiếp xúc với tin giả do Kami bịa đặt. Ðáng trách, là không ít người sử dụng mạng xã hội, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên, trí thức lại nhẹ dạ tin đó là “tin thật”, rồi đưa ra đòi hỏi phi lý rằng Ðảng, Nhà nước phải “bạch hóa”. Trong sự việc này, loại trừ những đối tượng có lòng dạ đen tối, thế lực thù địch, những ai nếu thật sự có lòng yêu nước, nếu thật sự hết lòng vì độc lập, chủ quyền, vì sự phát triển bền vững của đất nước, đã đến lúc họ cần xin lỗi Ðảng và Nhà nước, xin lỗi nhân dân vì đã vô tình tiếp tay phát tán thông tin bịa đặt, làm rối loạn niềm tin của công chúng.
Trên mạng xã hội, các loại tin giả, luận điệu xuyên tạc, giật gân, đả kích, xúc phạm người khác, tin không kiểm chứng, tin kèm số liệu bịa đặt và hình ảnh cắt ghép, kích động thù hằn... luôn nhằm mục đích hướng tới những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết hoặc tỉnh táo khiến họ thích thú rồi chuyển tiếp, nhân rộng. Các loại tin này vừa có thể tạo “người nổi tiếng trên mạng”, vừa giúp tiến công các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, lại có thể dễ dàng kiếm tiền... cho nên một số người bất chấp tất cả để dấn mình vào với cái xấu. Các thế lực thù địch cũng triệt để lợi dụng những đặc điểm này nhằm tiến công vào chế độ, và lũng đoạn đời sống tinh thần xã hội. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho biết, tin sai sự thật lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với tin tức nghiêm túc, bởi trên mạng xã hội luôn có một số người thường xuyên tò mò, thích dựng chuyện, khai thác tin xấu, cố tình hiểu sai hoặc cố tình xuyên tạc ý kiến của người khác. Khi tin giả đã xuất hiện trên mạng thì khó có thể xóa bỏ, chưa kể còn được chia sẻ, xuất hiện trên dòng thời gian của người dùng, được nhắc lại rất lâu qua đánh giá hằng năm mà Facebook tự động cung cấp cho người dùng. Do đó hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái. Khi tiếp xúc với tin tức trên mạng xã hội, điều quan trọng nhất là không nên vội vã tán thưởng, chia sẻ bài viết, hình ảnh, trước khi muốn chuyển tiếp hoặc muốn bình luận, mỗi người cần nhìn nhận, đánh giá chính xác, khách quan, đặc biệt cần kiểm chứng thông tin qua những nguồn khác nhau, bảo đảm thông tin tiếp nhận là đúng sự thật.
Đối với những người sử dụng là đảng viên, việc tham gia mạng xã hội là quyền được tôn trọng. Tuy nhiên, cần tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch là mỗi đảng viên phải luôn nghiêm túc thực hiện Ðiều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, phát huy tính tích cực xã hội ở mọi lúc, mọi nơi, luôn là công dân gương mẫu. Tình trạng một số ít đảng viên bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vì có biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội cho thấy đã trực tiếp vi phạm Quy định số 47-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, xa rời yêu cầu về vai trò gương mẫu của đảng viên, với một số trường hợp là tiếp tay, phụ họa nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thậm chí khơi mào quan điểm sai trái. Dù biện hộ do thiếu tỉnh táo, chưa chín chắn, bức xúc, vội vàng, bột phát, vô ý hoặc vin vào lý do nào thì các đảng viên này cũng có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật Ðảng và phải xử lý nghiêm như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII khẳng định. Việc kiên quyết khi xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật Ðảng chính là góp phần để Ðảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân. Ðây cũng là bài học thiết thân với mọi đảng viên, nhắc nhở rằng dù hoạt động trong lĩnh vực xã hội và giữ cương vị xã hội nào, thì mỗi đảng viên vẫn phải tự ý thức về trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân. Khi tham gia mạng xã hội, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét... không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực... Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình.
Theo Báo Nhân dân