Một lần nài nỉ mãi không được phép chơi điện tử trên máy tính, cậu bé hàng xóm 3 tuổi bất ngờ túm tóc tôi giật liên tục, lại còn nghiến răng và luôn miệng: “Không cho này, không cho này…”.
Thật sự bất ngờ về hành động này, tôi hỏi: - Sao con giật tóc cô? Cậu bé hồn nhiên đáp: “Con làm giống ba mẹ con. Ba giật tóc mẹ, chửi mẹ. Mẹ cũng đánh đầu con, mẹ làm thế này này” (cậu bé nghiến răng lại). Để ý một chút, tôi càng nhận ra việc nghiến răng, giật tóc không phải là hành động duy nhất cháu bắt chước ba mẹ. Có rất nhiều những câu nói, việc làm của người lớn, thậm chí là những câu nói tục, chửi thề đã được cháu hồn nhiên học theo. Và, trường hợp cậu bé hàng xóm nhà tôi không phải là duy nhất. Chúng ta đều biết rằng, trẻ con rất thích bắt chước và bắt chước rất giỏi những lời nói, việc làm của người lớn. Trong khi đó, các cháu còn quá bé để nhận thức được vấn đề đúng-sai. Có những việc bắt chước rất tốt, rất đáng khuyến khích nhưng cũng có những việc học theo rất nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tính cách, suy nghĩ của con trẻ. Theo các nhà tâm lý học, trẻ em từ hơn 1 tuổi đã có thể bắt chước những việc làm, hành động của ba mẹ và người lớn xung quanh. Từ 3 tuổi, trẻ đã bắt chước rất nhanh và có thể quan sát, học theo những việc làm, lời nói mà người lớn đôi khi không để ý đến. Việc ba mẹ cãi cọ, đánh nhau hay nói tục, chửi thề, thậm chí là hút thuốc, uống rượu… ngay trước mặt con cái cũng có thể dẫn đến việc các cháu học theo một cách dễ dàng. Cháu Nam, hàng xóm nhà tôi chính là một ví dụ điển hình nhất. Ngoài việc giật tóc, mỗi khi không vừa ý cái gì, Nam lại chửi thề không khác gì người lớn, thậm chí cháu còn có hành vi bạo lực với các bạn hàng xóm khi tức giận. Đó là kết quả của những lần cháu trực tiếp chứng kiến ba mẹ cãi nhau, nghe những lời nói tục của ba và hành động không hay của mẹ.
Bên cạnh những lời nói, việc làm của người lớn mà trẻ con trực tiếp chứng kiến, những câu từ, hình ảnh trên truyền hình cũng dễ dàng được bắt chước, đặc biệt là phần quảng cáo và những bộ phim dành cho người lớn.
Chị Nguyễn Thị Dung, có con gái 3 tuổi ở phường Kinh Dinh tâm sự: “Con gái tôi nói còn bập bẹ nhưng rất khôn, người lớn hay trên ti vi nói gì là cháu nói theo được nhanh lắm. Có những lời quảng cáo trên truyền hình dài, khó nhớ… nhưng cháu lại đọc vanh vách”. Và quả đúng như thế, chương trình ti-vi còn mới nổi nhạc, con gái chị Dung đã bập bẹ: “Mẹ ơi, “Em tắm anh yêu…”. Trước việc bắt chước của con trẻ, chị Dung cũng như nhiều phụ huynh khác tỏ ra rất tự hào mà không hề quan tâm hành động bắt chước đó là đúng hay sai, tốt hay xấu…Không ít phụ huynh cho rằng, con mình là trẻ con, chưa biết gì nên vô tư có những hành động, lời nói không phù hợp ngay trước mặt các cháu. Cháu Nguyễn Quang Anh, 2 tuổi rưỡi trong lúc chơi đã lột hết quần áo búp bê, bẻ hết tay chân của món đồ chơi đó và nghiến răng: “Ta cho ngươi nếm mùi nha…, ta phải trả thù…” - đó là kết quả của những lần cháu ngồi xem phim cùng ba mẹ. Ba mẹ Quang Anh đã không để ý hay cho rằng không vấn đề gì khi để cháu cùng xem những bộ phim trong đó có những hành động chỉ dành cho người lớn.
Cùng với những hình ảnh trên truyền hình, báo đài hay những lời nói, việc làm không hay khi ba mẹ tức giận thì những biểu hiện “quá ngọt ngào” của một gia đình hạnh phúc cũng làm con trẻ bắt chước không hay. Một cô giáo mầm non đã kể rằng, một bé trai 4 tuổi mà cô quản lý ngày nào cũng đòi hôn bạn gái cùng lớp, thậm chí có lần cháu còn quỳ chân tặng hoa cho một cô bạn mà cháu thích… hành động ngây ngô ấy có phần đáng yêu nhưng cũng khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ. Phải chăng, cháu bé 4 tuổi ấy đã được chứng kiến những hành động yêu thương hằng ngày của chính ba mẹ và cháu dễ dàng học theo.
Trẻ con như tờ giấy trắng, trong trắng, hồn nhiên… cha mẹ, gia đình và người lớn nói chung hãy viết lên đó những dòng chữ đầu tiên đẹp nhất, hay nhất. Hãy tạo cho con trẻ một môi trường lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi của chính các cháu.
Bích Thủy