Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là vấn đề ưu tiên trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nói chung của tỉnh ta. Trong những năm qua, Dự án nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS đã được triển khai và đem lại nhiều kết quả đáng mừng. Nhận thức của người dân về việc chăm sóc SKSS và bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khi mang thai, trước và sau khi sinh đẻ đã được quan tâm cải thiện; đặc biệt, ở những vùng nông thôn, miền núi…nhiều mô hình truyền thông giáo dục SKSS triển khai đem lại những thay đổi rõ rệt về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân...Để có được những thành công đó, Ban quản lý dự án đã triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: đào tạo, truyền thông, giám sát, hỗ trợ, kỹ thuật…đồng thời bám sát tình hình thực tế ở từng cơ sở, địa phương để xây dựng những mô hình, sáng kiến hiệu quả.
“Cô đỡ thôn bản” là niềm tin của phụ nữ miền núi.
Để Dự án được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, thì vấn đề đào tạo và tập huấn kiến thức là hết sức cần thiết. Chỉ tính riêng trong năm 2010, dự án đã đào tạo được 592 lượt người, bao gồm đào tạo mới và bổ sung nâng cao kiến thức quản lý dự án; kiến thức làm mẹ an toàn, cấp cứu sản khoa, cấp cứu trẻ sơ sinh; kỹ năng truyền thông lồng ghép tại cộng đồng; kỹ năng giám sát…Từ các khóa tập huấn, đào tạo 25 nữ hộ sinh trung cấp tốt nghiệp được phân về công tác tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, 2 mô hình “Cô đỡ thôn bản” và “Chuyển tuyến dựa vào cộng đồng” hình thành từ sáng kiến của Bệnh viện Từ Dũ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã phát huy hiệu quả tích cực. Hai mô hình này chủ yếu được tập trung ưu tiên triển khai tại các thôn/bản, xã miền núi khó khăn, nhằm tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng công tác chăm sóc và tư vấn về SKSS cho các bà mẹ trong suốt thời kỳ mang thai, sinh nở và dựa vào cộng đồng để chuyển tuyến kịp thời các trường hợp có những dấu hiệu nguy hiểm khi sinh. Trong năm 2010, các “cô đỡ thôn bản” đã thực hiện khám thai cho hơn 1.300 người, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm chuyển tuyến kịp thời 39 trường hợp…Ngoài ra, các “cô đỡ thôn bản” còn tham gia hoạt động của y tế thôn, bản, tham gia tiêm chủng mở rộng, tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ…
Không chỉ tập trung vào phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, dự án còn triển khai nhiều hoạt động rộng rãi trong các nhóm cộng đồng khác nhau, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ở các trường học. Song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh…dự án cũng thực hiện được 785 cuộc sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề về SKSS, sức khỏe tình dục, HIV…cho 29.800 lượt học sinh tại 15 trường học. Cả tỉnh có 201 nhóm sinh hoạt lồng ghép về SKSS của Hội Phụ nữ và Nông dân đều gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từ đó làm tăng khả năng hiểu biết, thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề chăm sóc SKSS. Những buổi sinh hoạt về SKSS luôn được lồng ghép với những tiết mục văn nghệ, giao lưu…làm phong phú hình thức, nội dung, tạo sự hấp dẫn cho người tham gia. Đồng thời, những lời ca, tiếng hát, tiểu phẩm hài kịch…đã đơn giản hóa được những vấn đề tế nhị, khó nói.
Những kết quả mà Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS đạt được trong thời gian qua có thể nói đã góp phần đem lại sự thay đổi rõ rệt trong xã hội. Từ nhận thức đến hành động thực tiễn của mọi tầng lớp nhân dân đều được nâng cao và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt, với những vùng nông thôn, miền núi, một khi đã có sự nhận thức đầy đủ, lại được trang bị kiến thức và có những hoạt động hỗ trợ, hàng trăm phụ nữ trong độ tuổi mang thai và cả vị thành niên, thanh niên đều tự tin hơn với cuộc sống.
Bích Thủy