Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 101 chợ, 5 siêu thị và 1.378 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Đáng chú ý có 499 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ và 2 khu dân cư thuộc diện nguy hiểm cháy nổ cao gồm: khu phố 9 và 10, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) với 1.036 căn nhà, trong đó khoảng 30% số nhà xây dựng bằng vật liệu dễ cháy. Bên cạnh đó, có 9 khu dân cư không đáp ứng yêu cầu về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy như khu phố 3, khu phố 5, khu phố 9, thuộc phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), khu dân cư xung quanh chợ Quảng Sơn (Ninh Sơn), khu phố Ninh Chữ 1, Khánh Chữ 1, Khánh Tân, Khánh Giang, thuộc thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) và khu dân cư Cà Ná, thuộc xã Cà Ná (Thuận Nam). Đây là những khu dân cư, còn tồn tại nhiều nhà ở tạm bợ tường cót ép, ván gỗ, mái tôn, hệ thống điện ở các đường hẻm và nhà dân câu móc tùy tiện không đúng kỹ thuật, gây mất an toàn; đa số hệ thống giao thông trong khu dân cư chật hẹp, bị cản trở bởi mái che khiến phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận được.
Một trong những mối nguy hiểm về cháy nổ đó là tình trạng các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, nhà ở liên kế chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, thiếu lối thoát nạn, sử dụng điện, nguồn lửa không an toàn. Trong khi đó, việc chuyển đổi công năng từ công trình trình dân dụng, nhà ở, sang hoạt động sản xuất kinh doanh không qua thẩm duyệt về PCCC còn diễn ra khá phổ biến. Cá biệt, có 3 công trình nhà chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng và bố trí người dân vào ở. Tình trạng quá tải điện trong nhà dân do thiết kế trước đây không đảm bảo kỹ thuật, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Đó là những nguy cơ, điều kiện phát sinh cháy nổ còn tiềm ẩn phức tạp…
Trong giai đoạn 2014-2018, Phòng Cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt 271 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu 120 dự án công trình, hiện còn 151 công trình, dự án đã được thẩm duyệt nhưng chưa nghiệm thu về PCCC do đang trong quá trình thi công hoàn thiện hoặc chưa triển khai. Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC tại 5.188 cơ sở, lập 5.035 biên bản kiểm tra; kiến nghị và hướng dẫn các biện pháp khắc phục 15.754 nội dung sơ hở, thiếu sót về điều kiện an toàn PCCC; xử phạt hành chính 102 trường hợp với số tiền trên 346,4 triệu đồng…
Đại tá Đinh Hồng Nghiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Hoạt động chữa cháy trên địa bàn, chủ yếu sử dụng các trụ nước chữa cháy trên các tuyến đường giao thông, nhưng số lượng chưa bảo đảm. Qua rà soát trên địa bàn tỉnh mới có 176 trụ nước chữa cháy công cộng, so với tiêu chuẩn quy định, số trụ nước còn thiếu khoảng 850 trụ và thiếu bến lấy nước chữa cháy từ nguồn tự nhiên. Trong khi đó chất lượng đội ngũ cán bộ, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; 6/9 phương tiện chữa cháy của lực lượng PCCC chuyên nghiệp hiện đã quá niên hạn sử dụng theo quy định, nhưng vẫn chưa được thay thế và còn thiếu 9 xe chuyên dụng phục vụ PCCC.
Dự báo trong thời gian tới với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh ta trên nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phát triển du lịch, công nghiệp, xây dựng. Bên cạnh đó, với đặc điểm vị trí địa lý chịu tác động ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn là nguy cơ tiềm ẩn các yếu tố phát sinh cháy cao. Nhằm tuyên truyền phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã lồng ghép tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi họp dân; biên soạn các bản tin, cấp phát tờ rơi, áp phích, mở các lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp. Tổ chức huấn luyện, các hội thao, hội thi tìm hiểu pháp luật về PCCC; triển khai xây dựng các mô hình khu công nghiệp đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự, an toàn PCCC, mô hình điểm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Hiện nay, Công an tỉnh đang tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học PCCC về giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác PCCC đối với cơ sở; áp dụng dùng phần mềm quản lý cơ sở và hệ thống trụ nước chữa cháy công cộng, phục vụ cho công tác chữa cháy khi có yêu cầu. Cùng với đó, thực hiện xã hội hóa hoạt động PCCC, phối hợp với Công ty Viettel-Chi nhánh Ninh Thuận hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Tiếp nhận thông tin báo cháy tự động, kết nối với một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ.
Đại tá Đinh Hồng Nghiệp, cho biết thêm: Trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC cần có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, phải coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn kiến thức PCCC để cán bộ, người dân thấy được vai trò của công tác PCCC, cũng như tác hại, hậu quả của cháy nổ gây ra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, xử lý cháy nổ ngay từ khi mới xảy ra. Mặt khác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC đủ mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; nắm chắc tình hình, thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra về PCCC và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC; quan tâm xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ.
Anh Tuấn