Cơ thể người cao tuổi có những đặc điểm riêng khác với cơ thể người trẻ tuổi nên chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi cũng có những điểm riêng biệt. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý trong vấn đề dinh dưỡng của người cao tuổi.
-Người cao tuổi hoạt động ít, nhu cầu về năng lượng giảm, vị giác và khứu giác kém nhạy nên cảm giác thèm ăn và ngon miệng giảm. Bên cạnh đó răng bị rụng khiến cho việc nhai thức ăn gặp khó khăn. Do đó thức ăn của người cao tuổi phải được chế biến hợp khẩu vị, mềm, và dễ nuốt. Đối với những người cao tuổi bị rụng nhiều răng tuyệt đối tránh ăn thịt gà, thịt vịt nguyên miếng (mà phải xé nhỏ ra), các loại cá nhiều xương để tránh bị hóc xương. Cần cho người cao tuổi ăn từng miếng nhỏ, uống nước từ từ từng ngụm nhỏ để tránh nghẹn hay sặc.
- Sự bài tiết dịch vị của dạ dày ở người cao tuổi giảm nên việc hấp thu các chất canxi, sắt kém, thời gian tiêu hóa thức ăn kéo dài. Do đó, nên chia khẩu phần ăn của người cao tuổi thành nhiều bữa ăn nhỏ, tránh ăn quá no.
-Khả năng hấp thu chất đạm ở người cao tuổi kém vì vậy cần cho người cao tuổi ăn những thức ăn có chứa các loại đạm dễ tiêu như cá, sữa, đậu…
- Nhu động ruột giảm nên người cao tuổi thường hay bị táo bón. Do đó nên cho người cao tuổi ăn chế độ ăn có nhiếu chất xơ, nhiều rau và hoa quả, uống đủ nước mỗi ngày.
-Người cao tuổi cần tăng cường dùng những loại thức ăn có chứa nhiều canxi như sữa và các sản phẩm từ sữa để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị loãng xương.
-Nhu cầu vitamin và muối khoáng tăng lên theo tuổi nên cần cung cấp cho người cao tuổi các loại thức ăn có chứa nhiều vitamin cần thiết như vitamin C (có trong rau quả), vitamin nhóm B (có trong ngũ cốc, các họ đậu, thịt, gan…).
- Ở những người cao tuổi có các bệnh mạn tính không lây (tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim…) cần được cung cấp chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh lý của họ.
Nguồn: Suckhoe360