Đến với làng Chăm Mỹ Nghiệp, tình cờ chúng tôi gặp bà Đạt Thị Nam đứng bên khung cửi hướng dẫn những người thợ cách thức dệt hoa văn nữ thần Apsara trên nền thổ cẩm Chăm truyền thống. Trao đổi với nghệ nhân, chúng tôi được biết hơn nửa thế kỷ trước, khi vừa tròn mười tuổi, bà Nam đã biết tách hạt, bật bông se thành sợi, quấn tơ phụ giúp mẹ là bà Thị Khá dệt thổ cẩm. Từ công việc thường ngày bên khung cửi của mẹ giúp bà nằm lòng từng đường nét, sắc màu của nhiều loại hoa văn thổ cẩm Chăm. Bản thân bà Nam có thể dệt khoảng 100 hoa văn thổ cẩm; trong đó có nhiều hoa văn cổ được bà phục hồi trong vài năm gần đây như: Lan thank lin, Lan thank pomun, Play in pố, Pì rèn apố. Sản phẩm thổ cẩm trang trí mặt bàn do bà Nam phục hồi hoa văn Lan thank lin được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017.
Bà Đạt Thị Nam (bên trái) tận tâm truyền nghề dệt hoa văn cổ
trên thổ cẩm truyền thống dân tộc Chăm.
Ngoài việc nghiên cứu, phục hồi hoa văn cổ nhằm đa dạng hóa các sản phẩm dệt thổ cẩm cung cấp cho thị trường, bà Đạt Thị Nam còn tận tâm truyền dạy nghề dệt cho nhiều phụ nữ ở khu vực miền Trung - Tây nguyên. Qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống gia đình chị em đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ tháng 3-2008, bà Nam được UBND huyện Vân Canh (Bình Định) mời ra dạy nghề dệt cho phụ nữ dân tộc Bana ở thôn Hà Văn Trên thuộc xã Canh Thuận. Sau gần hai tháng, bà Nam dốc lòng hướng dẫn trên 30 phụ nữ dân tộc Bana biết dệt thổ cẩm Chăm. Đồng thời cải tiến khung dệt của người Chăm thành khung dệt vải phục vụ đời sống đồng bào Bana. Kết thúc khóa dạy nghề, bà Nam được Chủ tịch UBND huyện Vân Canh tặng giấy khen về thành tích truyền nghề dệt thổ cẩm. Cuối năm 2018, bà Nam được tỉnh Đắk Nông mời lên thị xã Gia Nghĩa dạy nghề dệt thổ cẩm Chăm cho 30 phụ nữ gồm các dân tộc Ê Đê, K’Ho, Churu, Gia Rai. Bà Nam tham dự Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I-năm 2019 diễn ra tại tỉnh Đắk Nông từ ngày 14 đến 16-1-2019. Với các hoạt động truyền nghề và biểu diễn dệt thổ cẩm Chăm tại lễ hội, bà Đạt Thị Nam được UBND tỉnh Đắk Nông khen thưởng về thành tích xuất sắc thực hành dệt thổ cẩm.
“Tôi tích cực góp phần cùng các nghệ nhân cao tuổi làng Mỹ Nghiệp sưu tầm, phổ biến khoảng 100 mẫu hoa văn trên các sản phẩm dệt thủ công truyền thống. Trong đó có những mẫu hoa văn đặc biệt tinh xảo đứng trước nguy cơ thất truyền. Tôi tiếp tục sưu tầm, phục hồi hoa văn cổ và tâm huyết truyền nghề cho con cháu, động viên chị em phụ nữ gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng Mỹ Nghiệp”, bà Đạt Thị Nam chia sẻ niềm vui.
Sơn Ngọc