Anh Phụng liên lạc với cán bộ xã Phước Hữu dẫn đường đưa chúng tôi đến thăm cơ sở may công nghiệp của gia đình chị Hoạt ở cuối thôn Nhuận Đức. Trong khuôn viên hiên nhà rộng khoảng 50 m2, chị Hoạt lắp đặt 9 bàn máy may công nghiệp và 5 máy vắt xổ xuất xứ từ Nhật Bản. Tiếng máy may, tiếng nói cười trao đổi việc làm của công nhân tạo nên không khí vui tươi vùng nông thôn từ cơ sở may công nghiệp của đôi vợ chồng trẻ Lã Thị Hoạt và Đặng Văn Quẹo. Sau khi giao việc cho công nhân người nào vào việc ấy, chị Hoạt dành thời gian trao đổi với chúng tôi về hoạt động sản xuất may gia công của gia đình. Lã Thị Hoạt cho biết chị sinh năm 1985, dân tộc Tày, gốc gác ở xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Vừa tròn 20 tuổi, chị rời làng chuyên canh tác cây bắp trên vùng núi đá vào Bình Dương làm công nhân may công nghiệp. Năm 2007, chị duyên nợ với anh Đặng Văn Quẹo, sinh năm 1985, ở xã Phước Hữu. Sau khi kết hôn, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục thuê nhà ở trọ làm công nhân may công nghiệp đến khi sinh đứa con thứ hai vào năm 2017. Nguồn thu nhập từ lương công nhân không đủ nuôi sống gia đình. Chị Hoạt trao đổi với anh Quẹo đưa gia đình về quê chồng khởi nghiệp, làm ăn nuôi hai con có điều kiện học hành.
Chị Lã Thị Hoạt kiểm tra sản phẩm may gia công quần áo
trẻ em xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Hoàn cảnh hai bên cha mẹ đều nghèo khó, từ nguồn vốn dành dụm, hai vợ chồng đầu tư 20 triệu đồng mua hai máy may và một máy vắt xổ, nhận hàng may gia công quần áo trẻ em xuất khẩu cho Công ty TNHH Thời trang Hoa In ở Phan Rang-Tháp Chàm. Nhờ đức tính chịu thương chịu khó và kinh nghiệm nhiều năm làm công nhân may, hai vợ chồng trẻ chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho sản phẩm bảo đảm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Công ty tin tưởng giao sản phẩm gia công ngày càng nhiều, chị Hoạt quyết định vay vốn đầu tư mua sắm thiết bị và tuyển dụng dạy nghề may cho lao động nữ trong thôn xóm. Được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và Hội Phụ nữ xã Phước Hữu bảo đảm cho chị được vay tín chấp 50 triệu đồng thời hạn 5 năm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Phước, tháng 10- 2018, vợ chồng chị “dốc hết hầu bao” kết hợp vốn vay ngân hàng mua sắm thêm 7 chiếc máy may và 4 chiếc máy vắt xổ. Cơ sở may công nghiệp của gia đình chị Hoạt bước đầu nhận may hoàn thành 7.000- 9.000 sản phẩm gia công cho Công ty Hoa In. Chị tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động có thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trả lương cho công nhân và trừ hết chi phí sản xuất, vợ chồng chị Hoạt có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, bảo đảm cuộc sống gia đình, có điều kiện nuôi dạy hai con chu đáo.
Chị Lã Thị Hoạt phấn khởi chia sẻ: Bản thân em rất vui mừng khi được về sinh sống khởi nghiệp nghề may công nghiệp tại quê chồng. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và bà con thôn xóm quan tâm giúp đỡ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho gia đình em làm ăn vươn lên bảo đảm cuộc sống. Trong thời gian tới, em tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm may; đồng thời đầu tư mua sắm thiết bị mở rộng cơ sở may công nghiệp tạo thêm nhiều làm cho chị em lao động nữ ở địa phương.
Ông Thái Xuân Lộc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý thôn Nhuận Đức nhận xét: Cơ sở may công nghiệp của chị Lã Thị Hoạt tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động nữ nông thôn, có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống gia đình. Vợ chồng chị Hoạt vượt khó chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, tích cực góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Sơn Ngọc