Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang khiến cho nhiều hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi lợn ở nước ta lo lắng, bởi vì lợn đã mắc bệnh là nguy cơ chết đến 100%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/2 đến 3/3, bệnh xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) khuyến cáo người chăn nuôi vệ sinh tiêu độc,
khử trùng chuồng trại, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn. (Nguồn:tienphong.vn)
Vì thế, chống dịch phải được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi. Tất cả phải vào cuộc với tinh thần thần tốc, quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp để khống chế bệnh dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy
Với những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn dịch bệnh sẽ được khống chế, khoanh vùng, để hạn chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôn lợn. Tuy nhiên, sự cố này khiến ngành chăn nuôi ở nước ta trở thành ngành rất “nóng”, đáng quan tâm không chỉ ở thời điểm hiện tại.
Thực tế cho thấy, chăn nuôi là một ngành sản xuất quan trọng, chủ yếu của nông nghiệp Việt Nam, nhưng nhiều năm qua vẫn là một ngành nhiều bấp bênh, nhiều rủi ro, lãi suất thấp...
Hiện tượng dễ thấy là giá cả không ổn định, nhiều thời điểm rớt giá thê thảm, đẩy người chăn nuôi vào cảnh điêu đứng. Cách đây không lâu, Nhà nước đã phải “giải cứu” thịt lợn do dư thừa, rớt giá đến mức thấp nhất trong 10 năm qua. Sau những cuộc “giải cứu” đó, trong những tháng cuối năm 2018 vừa qua, cả nước lại chứng kiến giá thịt lợn tăng vọt, thậm chí có thời điểm thịt lợn của Việt Nam đắt nhất thế giới. Giá cả cao thì lợi nhuận lớn, nhưng không bền vững, sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi, đến các doanh nghiệp vì mất thị trường, do sản phẩm bên ngoài tràn vào.
Không chỉ có dịch tả lợn, những trận dịch cúm gia cầm những năm qua đã khiến nhiều hộ chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn. Nhiều hộ nông dân chăn nuôi gia cầm chỉ trong thời gian ngắn đã rơi vào cảnh trắng tay, thất thu hàng trăm triệu đồng.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong nhiều năm liền ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt, nằm trong nhóm 10 nước có ngành chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới, nhưng vẫn không có mặt trong Top 20 quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới.
Do đó, có thể thấy đặc điểm của ngành chăn nuôi nước ta là tự phát, thiếu bền vững, dịch bệnh thường xuyên đe dọa và chất lượng sản phẩm không ổn định. Chăn nuôi lợn không ít lần cam chịu những nghịch lý, được giá thì thiếu lợn để bán, còn mất giá thì quá nhiều lợn gây thua lỗ, phá sản. Hơn nữa, do có nhiều khâu trung gian nên nhìn chung, người chăn nuôi và người tiêu dùng là đối tượng bị thua thiệt, nhiều lúc giá bán tại trại rất rẻ, dưới giá thành, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua lẻ giá cao.
Căn nguyên chính của tình trạng bấp bênh, nhiều rủi ro phần nhiều là do ngành chăn nuôi nhiều năm qua vẫn chưa có quy hoạch tổng thể đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, với tầm nhìn dài hạn. Cần có quy hoạch để phân định quỹ đất dành cho chăn nuôi để người chăn nuôi yên tâm đầu tư lâu dài mà không bị các ngành khác lấn át và có đầu tư cho xử lý môi trường; từng bước tiến tới hình thành những vùng chăn nuôi quy mô lớn, tránh tình trạng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.
Chính vì nuôi nhỏ lẻ nên hầu hết các điểm chăn nuôi lợn tổ chức sản xuất thủ công, sử dụng nhiều giống lợn chất lượng thấp, chất lượng thức ăn kém... Điều này khiến khả năng sinh sản, sinh trưởng của gia súc chỉ bằng 85%-90% thế giới, hiệu quả kinh tế không cao. Thực tế cũng đã cho thấy, mức chi phí chăn nuôi của nước ta quá cao so với các nước khác, làm mất sức cạnh tranh của thịt lợn ngay trên thị trường trong nước.
Lời giải cho bài toán này đã được các nước trên thế giới chứng minh, đó là phải hợp tác chăn nuôi, đây là hình thức tất yếu của quá trình phát triển chăn nuôi. Tất cả các nước lớn đều phát triển theo hình thức này. Nuôi hợp tác sẽ tận dụng thời gian nhàn rỗi, sức lao động, chuồng trại của nông dân để phát triển.
Xu hướng hiện nay là thực hành chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro; đồng thời còn giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi. Việc sản xuất chuyên nghiệp, liên kết chuỗi sẽ tránh được trường hợp người nông dân lao đao vì lợn mất giá, người tiêu dùng thì hoài nghi chính sản phẩm của người Việt làm ra vì không có rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chăn nuôi lợn theo mô hình chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với trang trại, đã được áp dụng ở nước ta, cần được nhân rộng. Trong đó, doanh nghiệp đảm bảo từ nguồn thức ăn sạch, con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn quốc tế, trang trại đáp ứng được những yêu cầu về môi trường, hỗ trợ bà con về kỹ thuật lẫn đầu ra cho sản phẩm... Mô hình này không chỉ tạo ra nguồn cung ứng thịt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Nếu vẫn giữ mô hình nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay thì ngành chăn nuôi của nước ta rất khó phát triển!
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam