Chỉ tính trong năm 2018, đơn vị đã huy động đạt 20,75 tỷ đồng, tăng hơn 7,71 tỷ đồng; trong đó, huy động theo lãi suất thị trường của các tổ chức, các nhân đạt trên 10,6 tỷ đồng, tăng 4,96 tỷ đồng và huy động qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hơn 10 tỷ đồng, tăng 2,755 tỷ đồng so với đầu năm. Từ nguồn vốn huy động được tạo thêm nguồn lực giúp cho 4.582 lượt hộ được vay với tổng số tiền 121,98 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Qua đánh giá của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ninh Sơn cho thấy, đa số các hộ được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi đều sử dụng đúng mục đích. Nhiều hộ từ chỗ nghèo khó, đến nay đã vươn lên thoát được nghèo, xây được nhà ở. Điển hình như gia đình chị Phan Thị Phú ở thôn Tân Lập 1 (xã Lương Sơn) trước đây từng là hộ nghèo. Năm 2014, được Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, chị đầu tư mua 1 con bò cái sinh sản, số tiền còn lại đầu tư cải tạo 5 sào đất rẫy để trồng hoa màu. Nhờ có cán bộ khuyến nông địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, sau một thời gian chịu khó làm ăn, chị đã tích lũy trả được nợ. Tháng 6-2015, chị tiếp tục được NHCSXH cho vay thêm 30 triệu đồng, số vốn này chị đầu tư toàn bộ vào nuôi bò sinh sản, nhờ đó có thời điểm đàn bò của chị phát triển lên tới cả gần chục con. Sau khi rút bán bớt để xây nhà, mua thêm đất ruộng sản xuất lúa, hiện chị vẫn còn 2 con bò cái sinh sản, gia đình chị đã được công nhận thoát nghèo.
Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển trồng trọt,
nhiều hộ dân ở Ninh Sơn đã thoát nghèo. Ảnh: V.Miên
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, chất lượng tín dụng cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Ninh Sơn ngày càng được nâng cao. Đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện có 270 Tổ TK&VV, qua kết quả phân loại có 256 tổ đạt loại tốt (chiếm 94,81%), tăng 2 tổ so với đầu năm; 14 tổ đạt loại khá (chiếm 5,19. Về tỷ lệ nợ quá hạn, đến cuối năm 2018 là 811 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,24%/tổng dư nơ), giảm 121 triệu đồng so với năm trước. Trong đó, xã Ma Nới 2 năm liên tục duy trì không có nợ quá hạn; 2 địa phương là xã Mỹ Sơn và thị trấn Tân Sơn đạt và vượt chỉ tiêu giao giảm nợ quá hạn. Ngoài ra, còn có 204 Tổ TK&VV; 8 Hội đoàn thể ở cơ sở không có nợ quá hạn; 18 Hội đoàn thể có nợ quá hạn trên 0% đến dưới 0,5%...
Nhờ triển khai tốt các chương trình cho vay, đến cuối năm 2018, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Ninh Sơn đạt 343,220 tỷ đồng, với 11.938 hộ vay/17.259 món vay, tăng 26,371 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng ủy thác qua 4 hội, đoàn thể là 342,992 tỷ đồng (chiếm 99,93%/tổng dư nợ). Cụ thể, nhiều nhất là Hội Phụ nữ với dư nợ trên 181,89 tỷ đồng (chiếm 53,03%); Hội Nông dân trên 76,7 tỷ đồng (chiếm 22,37%); Đoàn Thanh niên trên 44,72 tỷ đồng (chiếm 13,04%) và Hội cựu Chiến binh trên 39,65 tỷ đồng (chiếm 11,56%). Ngoài giúp cho 2.321 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trong năm qua, nguồn vốn vốn tín dụng chính sách còn giúp cho 77 hộ nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà ở; 574 lượt hộ dân xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, cải tạo công trình nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn...
Bà Hoàng Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện – Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Ninh Sơn cho biết: Mặc dù việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách trên địa bàn thời gian qua đạt tiến độ tốt, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch thì tỷ lệ nợ quá hạn có giảm nhưng còn thấp (chỉ đạt 121/300 triệu đồng); một số chương trình cho vay giải ngân chưa kịp thời, đặc biệt chương trình cho vay xuất khẩu lao động bằng nguồn vốn địa phương trong năm qua vẫn còn tồn khoảng 300 triệu đồng... Để khắc phục tình trạng nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, trong năm 2019, Ban Đại diện – Hội đồng quản trị NHCSXH huyện tập trung chỉ đạo các đoàn thể nhận ủy thác ở địa phương phát huy vai trò tham mưu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và triển khai biện pháp thu hồi nợ, nhất là các địa phương có nợ quá hạn và nợ khoanh cao. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 29-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ vay biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn. Phấn đấu đến cuối năm đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao giảm nợ quá hạn; giảm số món vay 3 tháng không hoạt động và số hộ vay tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV đạt từ 95% trở lên.
Văn Thanh