Để thực hiện hiệu quả cuộc vận động, hằng năm Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch, chương trình, hướng dẫn, chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam giúp chị em nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Nội dung tuyên truyền, vận động gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép vào các phong trào thi đua như: “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”...thu hút được số lượng lớn đoàn viên-thanh niên, học sinh và trên 12.000 lượt hội viên PN đăng ký cam kết tham gia.
Phụ nữ Ninh Hải trồng măng tay xanh cung cấp cho thị trường. Ảnh: P.Lâm
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cán bộ, hội viên, phụ nữ các hội cơ sở đã nêu cao vai trò trách nhiệm, gương mẫu trong việc ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt khi mua sắm tài sản công cũng như tiêu dùng cá nhân. Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Công ty Hồng Nguyên tuyên truyền và bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ do Việt Nam sản xuất, sữa uống của Công ty sữa đậu nành Hải Minh; tổ chức truyền thông “Hãy rửa tay với xà phòng, cho đôi tay sạch khuẩn” với nhãn hàng Lifebouy nhằm bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, đề phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là dịch tiêu chảy… “Thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng đã có nhận thức ưu tiên việc mua sắm hàng Việt, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng sản xuất tại Việt Nam”-chị Đoàn Thị Ngọc Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN huyện, chia sẻ.
Theo đồng chí Huỳnh Thị Sâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, đối với chị em tiểu thương và các doanh nghiệp, Hội đã vận động chị em sản xuất hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và coi đó là biểu thị lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc. Cùng với các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Hội chợ triển lãm” giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, Hội còn vận động chị em tham gia mua sắm các sản phẩm hàng hoá do Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà và các doanh nghiệp bán tại thị trấn Khánh Hải; vận động tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham gia trồng, cung cấp rau sạch cho siêu thị và thị trường nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng. Đặc biệt đã thành lập các mô hình sản xuất hàng Việt từ sản phẩm sẵn có tại địa phương như: Hàng thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng tại thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải) gồm có 21 thành viên; chế biến cá hấp, nước nắm, bánh, mứt, trái cây sấy khô và các loại nông sản sạch (không có sử dụng chất bảo quản), mực một nắng ...
Nhìn chung, qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thái độ của người tiêu dùng nói chung, phụ nữ huyện Ninh Hải nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, chị em ngày càng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Ninh Hải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động trong các cấp hội; tăng cường công tác vận động cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tiêu dùng hằng ngày, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất ở địa phương làm ra, góp phần đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Hội LHPN huyện Ninh Hải phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan giám sát, vận động chị em tham gia phát hiện việc sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm … để chính quyền xem xét xử lý, góp phần bảo vệ hàng Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, vận động các nữ doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia các hội chợ triển lãm, thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân.
Bạch Thương