Kỳ vọng vào một “thỏa thuận lớn”
Với hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ngày 12-6-2018 tại Singapore và cái bắt tay lịch sử, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã trở thành những nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đầu tiên gặp mặt trực tiếp nhằm tìm giải pháp cho một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump cam kết “đảm bảo an ninh” cho Triều Tiên, trong khi Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết kiên định phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Theo nhận định của các chuyên gia chính trị, mặc dù tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, phía Triều Tiên đã nhất trí thực hiện “phi hạt nhân hóa toàn diện” Bán đảo Triều Tiên nhưng đề cập rất ít đến các giải pháp để đạt được mục tiêu lâu dài và khó khăn này. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Washington triển khai “những biện pháp đối đẳng” để đổi lại những nỗ lực phi hạt nhân hóa của nước này, chẳng hạn như nới lỏng một phần các lệnh cấm vận, viện trợ nhân đạo, thiết lập văn phòng liên lạc Mỹ tại Bình Nhưỡng và tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Trong khi đó, phía Mỹ vẫn luôn tỏ thái độ cứng rắn trong việc yêu cầu Triều Tiên triển khai những biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân một cách cụ thể và thực chất, chẳng hạn như tuyên bố đầy đủ về các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Dư luận kỳ vọng vào việc đạt được một “thỏa thuận lớn” tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Đó là việc Triều Tiên đồng ý tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon - một trong những điều kiện Chủ tịch Kim Jong-un đặt lên bàn đàm phán để đổi lấy việc Bình Nhưỡng được nới lỏng một số hình thức trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ có thể có cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong chiến dịch gây áp lực tối đa vốn luôn được chủ trương duy trì cho đến khi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên đạt được kết quả.
Giới phân tích cho rằng, thành công chỉ có thể được đảm bảo nếu cả hai bên đưa ra những nhượng bộ thực tế, có thể kiểm chứng và không được coi là gây thiệt hại cho “đối tác”. Theo Harry Kazianis, chuyên gia phân tích tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia tại Washington (Mỹ), “kể cả khi mọi thứ diễn ra không suôn sẻ như mong đợi kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sắp tới ở Việt Nam mang đến cơ hội vàng để đưa ngoại giao trở lại đúng hướng, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai”.
Kỳ vọng khơi thông quan hệ liên Triều
Giới chuyên môn dự đoán hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai có thể mở đường cho chuyến thăm như đã hứa hẹn của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Seoul (Hàn Quốc) trong tương lai gần. Ông Kim Jong-un đã hứa đến thăm Seoul vào một ngày không xa để đáp lại chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018. Có nhiều người suy đoán Chủ tịch Kim Jong-un đến thăm thủ đô của Hàn Quốc trước cuối năm 2018 nhưng chuyến đi đã không diễn ra. Thay vào đó, ông Kim Jong-un đã gửi thư tay vào cuối tháng 12/2018 cho Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ sự thất vọng vì đã không thực hiện chuyến đi tới Seoul như đã hứa, song nhấn mạnh sự quyết tâm thực hiện lời hứa đồng thời theo dõi chặt chẽ các sự việc liên quan. Về phần mình, ông Moon Jae-in cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un đến Seoul sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ liên Triều và đây sẽ là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc.
Đây là chuyến thăm được đánh giá sẽ dẫn tới sự hòa giải sâu sắc hơn và thúc đẩy hợp tác liên Triều, đưa quan hệ giao lưu liên Triều phát triển hơn sau thời gian tạm lắng kéo dài do tiến triển chậm hơn dự kiến trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất hồi tháng 6/2018, tiến độ đàm phán đã chậm lại do Bình Nhưỡng tìm kiếm sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt sau khi có một số động thái như tháo dỡ các cơ sở quan trọng tại Trạm phóng vệ tinh Sohae (địa điểm được sử dụng để phát triển động cơ cho tên lửa đạn đạo) trong khi Washington yêu cầu Triều Tiên có các hành động phi hạt nhân hóa cụ thể hơn.
Bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa, theo giới chuyên gia, dường như ảnh hưởng tới quan hệ liên Triều, đặt Hàn Quốc vào thế bị kẹt giữa việc Triều Tiên đề nghị các trao đổi tích cực xuyên biên giới với việc Mỹ kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt, vốn cấm hầu hết các giao dịch với Bình Nhưỡng. Dự án kết nối đường sắt và đường bộ giữa hai miền chỉ có một lễ khởi công mang tính biểu tượng hồi cuối năm 2018 và chưa có động thái thi công nào được tiến hành do vấp phải vô số lệnh trừng phạt. Trong khi đó, khu công nghiệp chung Kaesong và chương trình du lịch Núi Kumgang, hai dự án được coi là những biểu tượng quan trọng cho sự hàn gắn liên Triều nhưng đã phải ngừng trong hai năm qua. Các chướng ngại dường như đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho việc nối lại các dự án này, khi hai lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9/2018 nhất trí "bình thường hóa" hai dự án trên. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên đã khiến các doanh nhân cũng không thể đến khu Kaesong để kiểm tra trang thiết bị của mình đã bị bỏ không tại đây kể từ khi khu công nghiệp này đóng cửa.
Theo TTXVN