Đòn đáp trả ngoại giao
Khởi phát cho căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan là vụ tấn công xảy ra ngày 14/2 nhằm vào đoàn xe quân sự chở 2.500 thành viên Lực lượng Cảnh sát dự bị trung ương Ấn Độ (CRPF) tại bang Jammu & Kashmir, thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Một chiếc ô tô chở đầy chất nổ lao vào đoàn xe khiến 49 thành viên CRPF thiệt mạng. Nhóm Hồi giáo Jaish-e-Mohammad có trụ sở tại Pakistan tuyên bố một thành viên của nhóm đã thực hiện vụ đánh bom liều chết này. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng chính phủ Ấn Độ tại khu vực bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát kể từ tháng 6-2016 khi xảy ra vụ tấn công vào một trại quân đội làm 19 binh sĩ thiệt mạng.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại bang Jammu và Kashmir.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chính phủ Ấn Độ khẳng định "có bằng chứng không thể chối cãi" về sự dính líu của Pakistan trong vụ việc trên. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ vụ đánh bom này. Từng bước đáp trả đã được phía Ấn Độ tiến hành dồn dập.
Ngày 15-2, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố nước này sẽ rút quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan với hiệu lực tức thì. Ấn Độ áp dụng quy chế Tối huệ quốc với tất cả các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo Điều 1 của Hiệp ước Chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1994. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập Pakistan và lên án quốc gia láng giềng vì đã thúc đẩy khủng bố. Bí thư Đối ngoại Vijay Gokhale đã gặp khoảng 25 trưởng cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại New Delhi bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các quốc gia Nam Á và các đối tác quan trọng khác như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Israel, Canada... Trước đó, ông Gokhale cũng đã triệu Đại sứ Pakistan tại Ấn Độ Sohail Mahmood tới Bộ Ngoại giao để trao công hàm phản đối mạnh mẽ về vụ tấn công. Ấn Độ đã yêu cầu Pakistan phải có "hành động ngay lập tức và có thể kiểm chứng" chống lại Jaish-e-Mohhammed cũng như phải ngăn chặn ngay lập tức bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào liên quan đến khủng bố hoạt động từ lãnh thổ của mình. Đỉnh điểm là ngày 16-2, một ngày sau khi hủy bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, Ấn Độ đã áp thuế nhập khẩu 200% đối với tất cả các hàng hóa bắt nguồn hoặc xuất khẩu từ Pakistan.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mohammad Faisal đã bác bỏ cáo buộc của Ấn Độ về việc Pakistan đứng sau vụ tấn công. Theo ông Faisal, Jaish-e-Mohhammed vẫn là một thực thể bị cấm ở Pakistan kể từ năm 2002 và Pakistan đang thực hiện nghĩa vụ của mình đối với việc thực thi lệnh trừng phạt. Ông Faisal cho biết Pakistan bác bỏ cáo buộc của Ấn Độ vì những điều này được đưa ra ngay sau vụ tấn công mà không có cuộc điều tra nào.
Đề cập tới quan hệ song phương, ông Mohammad Faisal cũng cho biết Pakistan mong muốn bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ và Thủ tướng Imran Khan đã viết thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề nghị các bước đi cải thiện quan hệ, trong đó có việc ngoại trưởng 2 nước gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhưng phía Ấn Độ đã từ chối.
“Nút thắt” Kashmir
Là vùng có đa số dân là người Hồi giáo sinh sống, khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya phân chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát kể từ khi hai nước giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Ranh giới kiểm soát (LoC) là đường biên giới không chính thức dài 720 km phân chia khu vực kiểm soát của hai bên tại Kashmir. Kể từ năm 1947, Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành ba cuộc chiến, trong đó có hai cuộc chiến liên quan đến Kashmir. Bất chấp một thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại LoC cũng như đường Biên giới Quốc tế (IB) dài 198 km ở Kashmir.
Từ năm 1989, một số nhóm phiến quân thường tiến hành các vụ tấn công nhằm vào lực lượng bán quân sự và cảnh sát ở khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của Ấn Độ, làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Theo thống kê, năm 2017 tại Kashmir xảy ra 820 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gây ra thương vong cho cả binh sĩ và dân thường hai bên, trở thành năm đẫm máu nhất tại khu vực này trong một thập kỷ qua. Cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc nhau nổ súng khiêu khích và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn.
Theo nhận định của các nhà phân tích, vùng đất Kashmir là căn nguyên của mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau đã dẫn đến tình trạng “ăn miếng trả miếng” trong quan hệ song phương và nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác như thương mại, ngoại giao..., gây đe dọa môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực. Mối bất đồng xung quanh vấn đề Kashmir đã tồn tại nhiều năm qua, giống như một ngọn lửa luôn âm ỉ cháy, trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này. Nếu cả Ấn Độ và Pakistan không kịp thời cùng ngồi lại, sử dụng phương thức đối thoại và đàm phán hòa bình để tháo gỡ bất đồng này thì vụ tấn công mới nhất hôm 14-2 sẽ giống như một mồi lửa làm bùng phát ngọn lửa chưa bao giờ được dập tắt hoàn toàn ở Kashmir.
Theo TTXVN