Nước mắm Cà Ná đã được bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, thương hiệu nổi tiếng toàn quốc với hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu. Xã Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nước mắm nhờ vào thời tiết nắng ấm quanh năm, chủ động nguồn nguyên liệu cá cơm. Để được lựa chọn sản phẩm đặc thù, nước mắm Cà Ná đạt các tiêu chí về lịch sử phát triển, danh tiếng chất lượng, quy mô thị trường. Nghề làm nước mắm gắn liền với nghề pha xúc của ngư dân huyện Thuận Nam có lịch sử hình thành và phát triển đã hơn 70 năm. Hiện nay, bình quân mỗi năm ngư dân địa phương đánh bắt được hơn 36.000 tấn hải sản; trong đó, 31.000 tấn cá cơm cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho 70 cơ sở chế biến nước mắm ở xã Cà Ná và Phước Diêm với tổng sản lượng thành phẩm 10,25 triệu lít/năm.
Ngư dân Thuận Nam khai thác cá cơm cung cấp nguồn nguyên liệu làm Nước mắm chất lượng. Ảnh: Văn Nỷ
Trong đó, có hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng lên tới 30.000 lít/năm. Thực hiện phương châm coi trọng việc giữ gìn sức khỏe cho người tiêu dùng là hàng đầu, các cơ sở sản xuất nước mắm chấp hành quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm như công bố hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng, tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ để hướng tới việc tham gia vào sử dụng và khai thác Nhãn hiệu chứng nhận Nước mắm Cà Ná do UBND huyện Thuận Nam làm chủ sở hữu.
Nghề sản xuất nước mắm ở huyện Thuận Nam đang không ngừng phát triển, ngoài các cơ sở nổi tiếng như: Hai Non, Minh Quang, Hồng Hương, Bà Bầu, Trần Văn Hưởng…, hiện nay trên địa bàn đang hình thành Nhà máy chế biến nước mắm Ca Na do Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung - Ninh Thuận làm chủ đầu tư, quy mô công suất lên tới 3,8 triệu lít/năm. Việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước mắm với các thiết bị dây chuyền sản xuất công nghệ cao, kết hợp kỹ thuật truyền thống đã cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng trong cả nước, hướng tới xuất khẩu, góp phần quảng bá và phát triển thương hiệu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho ngư dân địa phương, phát huy hiệu quả lợi thế sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm Nước mắm Cà Ná hiện nay được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước với các hình thức: Bán tại chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích. Những cơ sở danh tiếng có xu thế hướng tới các thị trường lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đối với những cơ sở vừa và nhỏ đều có điểm phân phối nằm dọc Quốc lộ 1A, thuận tiện cho việc mua bán. Từ việc chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng Nước mắm Cà Ná sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giúp nhiều hộ làm nghề có cuộc sống ổn định.
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm Nước mắm Cà Ná chất lượng cao.Ảnh: Văn Nỷ
Với quyết tâm nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc thù Nước mắm Cà Ná, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, huyện Thuận Nam xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề theo hướng bền vững, mở rộng quy mô sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi ngành nghề khai thác hải sản đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở sản xuất nước mắm hoạt động hết công suất. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm Nước mắm Cà Ná ở khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Anh Tùng