Trở lại Lập Lá
Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, có dịp trở lại làng định cư mới tại thôn Lập Lá, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng nông thôn miền núi. Được triển khai thực hiện từ năm 2009 thuộc đề án giãn dân cho đồng bào, với mục tiêu cấp đất định cư cho hơn 100 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu đồng bào Raglai, K’Ho) ở hai thôn Gòn và Lập Lá, xã Lâm Sơn có nơi ở ổn định. Sau nhiều năm trắc trở vì nhiều nguyên nhân, đến nay khu định cư mới đã hoàn thành với gần 100 căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng khang trang, bài bản. Bà con về nơi ở mới ổn định, ai cũng phấn khởi với niềm vui khôn tả. Chúng tôi ghé nhà chị Ka Đăng, trước đây ở thôn Gòn, bên căn nhà mới với diện tích 50m², chị vui vẻ cho biết: Gia đình dọn về đây ở khoảng cuối năm 2016 ngay khi khu làng mới được nhà nước xây dựng xong. Trước đây tôi và chồng cùng hai đứa con ở bên thôn Gòn 2 với gia đình cha mẹ, nhà chật hẹp lại đông người nên rất khó khăn, từ khi có nhà riêng gia đình rất vui, vợ chồng chỉ lo tập trung làm kinh tế để thoát nghèo…
Một góc làng định cư mới thôn Lập Lá, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn).
Niềm vui của chị Ka Đăng, cũng chính là niềm vui chung của 97 hộ dân đang sống ở khu làng mới Lập Lá, bởi sau nhiều năm chờ đợi cuối cùng gần 300 nhân khẩu cũng đã có chỗ ở ổn định, không còn sống trong cảnh chật hẹp, sợ nắng, sợ mưa. Bà con nơi đây rất cảm ơn Đảng và Nhà nước, bởi có an cư mới lập nghiệp, từ ngày có chỗ ở ổn định ai cũng lo làm ăn để tự vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ ỷ lại như trước đâu, Trưởng thôn Lập Lá JaIa YaSa chia sẻ thêm cho chúng tôi khi nói về quá trình hình thành làng mới Lập Lá.
Làng mới Lập Lá chỉ là một trong những điển hình chúng tôi muốn nói đến từ rất nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh ta trong hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi nhiều năm qua.
Khởi sắc vùng cao
Hiện nay, toàn tỉnh có 75 thôn của 27 xã thuộc 6 huyện đặc biệt khó khăn. Bài toán ổn định, phát triển kinh tế-xã hội cho các khu vực này rõ ràng không hề dễ và phải tính toán rất cụ thể qua từng năm, từng tháng, từng giai đoạn. Tính riêng trong giai đoạn 2016-2018, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội miền núi, bằng nguồn lực từ các chương trình, dự án (30a, 135…) và các nguồn lực khác tỉnh ta đã huy động trên 1.118 tỷ đồng để đầu tư cho công tác giảm nghèo tại vùng miền núi. Có thể nói, các nguồn lực đã được phân bố đồng đều, tập trung phát triển có hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi được cải thiện từng bước. Để khu vực miền núi thật sự rút ngắn khoảng cách với khu vực đồng bằng, nhằm tạo bộ mặt mới cho các vùng cao, trong 3 năm qua, hệ thống giao thông, thủy lợi ở miền núi luôn được đầu tư rất kịp thời. Một số tuyến đường giao thông kết nối các xã vùng núi lại với nhau đã được đầu tư rất đồng bộ điển hình như: tuyến đường kết nối xã Phước Đại-Phước Trung; tuyến Ba Tháp-Suối Le-Phước Kháng; tuyến Lâm Sơn-Phước Hòà… Ngoài các công trình giao thông, thủy lợi thì nhiều công trình an sinh xã hội khác như: trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng… cũng được quan tâm đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhà nội trú Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh, ở xã Phước Bình (Bác Ái)
được đầu tư, tạo điều kiện để học sinh lưu trú học tập.
Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành cũng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các vùng khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả; giảm tỷ trọng cây lương thực nên đã hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại đối với cây trồng do biến đổi khí hậu gây ra. Qua đó, đã khai thác tốt nhất các lợi thế của vùng khí hậu khô hạn để phát triển nông nghiệp miền núi bền vững. Điển hình tại xã vùng cao Phước Bình (Bác Ái) từ định hướng của tỉnh cây bưởi da xanh hiện nay đang là loại cây “giảm nghèo nhanh và bền vững” của địa phương với quy mô ngày càng mở rộng và cho các hộ dân thu nhập ổn định hàng năm với lãi bán gần 100 triệu đồng/ha sau khi trừ các chi phí. Hay tại xã Nhị Hà (Thuận Nam), vùng đất khô cằn của những năm trước đây nay cũng đã chuyển hóa thành nhiều vùng trồng cây công nghiệp cho thu nhập ổn định như cây mãng cầu, cây bắp lai…
Song song với đầu tư phát triển mạnh về kinh tế, công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện khá đồng bộ, các chính sách hỗ trợ dành cho khu vực miền núi luôn được quan tâm kịp thời: Giáo dục và đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô tăng nhanh, công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS luôn được duy trì và củng cố tại 27/27 xã, góp phần nâng cao thành tích học tập của con em miền núi, nhất là con em đồng bào DTTS; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện đạt kết quả cao, tính riêng trong giai đoạn 2016-2018, đã đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động nông thôn, giải quyết việc làm mới cho 16.500 người; công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, thể dục thể thao phục vụ tinh thần cho người dân được chú trọng... Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người khu vực miền núi đạt 21 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại khu vực miền núi là 27,1%, giảm 4,03% so với năm 2016.
Nguyễn Sơn