ATF 2019: “ASEAN - Sức mạnh của sự thống nhất”
Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) là sự kiện lớn có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và là sáng kiến, nỗ lực tập thể của các nước thành viên nhằm xây dựng ASEAN thành một điểm du lịch chung, phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần thúc đẩy trao đổi khách, tăng tình hữu nghị, giao lưu văn hóa, củng cố hòa bình, phát triển thịnh vượng trong khu vực.
Năm 1981, lần đầu tiên ATF được tổ chức tại Malaysia, sau đó ATF được tổ chức thường niên, luân phiên trong các nước thành viên ASEAN. Ngày nay, ATF đã trở thành hoạt động có quy mô và tầm quan trọng lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN.
Năm 2019, lần thứ 2 với vai trò là nước chủ nhà của ATF, Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận về nội dung chủ đề là “ASEAN - Sức mạnh của sự thống nhất”. Đây là nội dung cụ thể hóa định hướng chung của các quốc gia thành viên trong hợp tác ASEAN nói chung, hướng tới khu vực ASEAN “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một Cộng đồng” (“One Vision, One Identity, One Community”). Nội dung chủ đề cũng thể hiện ý nghĩa về sức mạnh, vẻ đẹp chung của 10 nước ASEAN khi cùng hợp tác, liên kết cũng như thể hiện vẻ đẹp riêng của từng chủ thể, cá nhân trong cộng đồng chung, cùng hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm.
Việc đăng cai và tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ ATF 2019 sẽ góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho hợp tác du lịch khu vực ASEAN, từ đó truyền tải tới thế giới thông điệp “ASEAN - Sức mạnh của sự thống nhất”, gắn kết chặt chẽ du lịch Việt Nam trong ASEAN thành một khối.
Đây cũng là cơ hội nâng cao vị thế và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, giới thiệu rõ nét các điểm nổi bật và sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE và du lịch ẩm thực tới bạn bè quốc tế.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, diễn đàn là nơi để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tiếp cận, gặp gỡ và thắt chặt mối quan hệ đối tác với các hãng lữ hành, các nhà điều hành du lịch, các hãng vận chuyển, các thương hiệu khách sạn nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời ATF 2019 cũng là dịp để người dân Việt Nam hiểu biết hơn về ASEAN và thành quả hợp tác của các nước ASEAN trong lĩnh vực du lịch.
Hợp tác du lịch - lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN
ASEAN hiện là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Và du lịch được coi là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN.
Những năm gần đây, du lịch ASEAN đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong đó, nổi bật là lượng khách quốc tế đến du lịch ASEAN tăng trưởng liên tục. Trong năm 2017 khu vực ASEAN đón khoảng 120 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 8% so với năm 2016, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (7%) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương (6%). Trong đó các nước có mức tăng cao nhất gồm Việt Nam (29%), Indonesia (22%), Campuchia (12%) và Philippines (11%). Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối (42%) và Đông Bắc Á (37%).
“Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025” đã xác định tầm nhìn “đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của người dân trong toàn khu vực”. Để hiện thực hóa tầm nhìn, Chiến lược đã đề ra 2 định hướng lớn, bao gồm: nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN với tư cách là điểm đến chung; Đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện, cùng định hướng thúc đẩy phát triển lao động nghề du lịch. Và ASEAN đặt ra mục tiêu: đóng góp GDP của ngành du lịch tăng từ 12% lên 15%; đóng góp về số lượng việc làm tăng từ 3,7% lên 7%; chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 877 USD lên 1.500 USD; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 6,3 đêm lên 8 đêm; số lượng đơn vị được nhận các giải thưởng theo các tiêu chuẩn ASEAN tăng từ 86 lên 300.
Đối với Việt Nam, hợp tác du lịch ASEAN có vai trò đặc biệt quan trọng. Việt Nam bắt đầu tham gia các cơ chế hợp tác du lịch ASEAN từ cuối thập niên 1990 sau khi chính thức gia nhập ASEAN (tháng 7-1995). Từ những năm 2000, Việt Nam từng bước tham gia đầy đủ và chủ động hội nhập toàn diện vào hợp tác du lịch ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết trong các lĩnh vực khách sạn, dịch vụ đặt giữ chỗ khách sạn, dịch vụ phục vụ ăn uống và kinh doanh lữ hành quốc tế...Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN, Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực: Marketing du lịch, Phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia, Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, Xây dựng các định hướng phát triển du lịch Việt Nam.
Năm 2017, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt trên 1,6 triệu lượt, chiếm khoảng 13% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nếu tính cả các nước đối tác chính (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga), thị trường nguồn ASEAN và các nước đối tác chính chiếm khoảng 74% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2017. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2017 bao gồm: Malaysia (đạt 480.500 lượt, chiếm 3,7% tổng lượng khách), Thái Lan (đạt 301.600 lượt, chiếm 2,3% tổng lượng khách), Singapore (đạt 277.700 lượt, chiếm 2,1% tổng lượng khách), Campuchia (đạt 222.600 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách).
Theo TTXVN