Tuần biểu tình thứ 8 liên tiếp
Sau kỳ nghỉ lễ, vào ngày cuối tuần 5-1-2019, khoảng 50.000 người biểu tình “Áo vàng” lại xuống đường trên khắp nước Pháp. Con số này đã tăng lên nhiều so với 12.000 người của một tuần trước đó. Riêng tại Paris, số người tham gia biểu tình ngày 5-1 đã lên tới 3.500 người, đông hơn nhiều so với con số 800 người của một tuần trước đó. Trong đợt biểu tình mới này cũng đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh tại thủ đô Paris và các thành phố khác.
Tại nhiều thành phố, cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Tại Paris, những người biểu tình còn tấn công vào trụ sở của người phát ngôn chính phủ, biểu tượng của nền Cộng hòa Pháp, khiến người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux và đồng nghiệp phải sơ tán khỏi trụ sở.
Không những vậy, những người biểu tình còn phong tỏa một đoạn đường cao tốc A7 gần thành phố Lyon, gây tắc nghẽn giao thông trong nhiều giờ. Ở thành phố Rouen, Tây Bắc nước Pháp, những người “Áo vàng” còn bao vây và ném đá vào trụ sở cảnh sát.
Làn sóng giận dữ trong ngày 5-1 được cho là có dấu hiệu bị kích động trở lại sau khi chính quyền bắt giữ một trong những thủ lĩnh của phe "Áo vàng" Eric Drouet (Ê-gic Đơ-gu-ê) (ngày 2-1 vừa qua). Theo các công tố viên, ông Drouet bị bắt vì tổ chức biểu tình tại trung tâm thủ đô Paris mà không thông báo với nhà chức trách. Hồi tháng trước, nhà chức trách Pháp cũng đã phát lệnh bắt ông Drouet với tội danh "mang vũ khí cấm loại D" và sẽ đưa ra xét xử trong phiên tòa ấn định vào ngày 5-6 tới. Không những vậy, nhiều người cho rằng, những người biểu tình còn bị kích động kể từ sau khi Tổng thống Macron trong bài phát biểu năm mới đã nói người biểu tình là những kẻ kích động muốn tìm cách lật đổ chính phủ.
Hiện tại, bất chấp các biện pháp an ninh mạnh tay, phong trào “Áo vàng” vẫn được duy trì và có vẻ càng ngày càng được tổ chức chặt chẽ hơn. Việc phản kháng giờ không còn tập trung hết về thủ đô Paris mà đã chuyển sang các thành phố khác, nhất là Bordeaux. Điều này cho thấy, phong trào “Áo vàng” sẽ chưa sớm chấm dứt và nếu chính phủ Pháp xử lý không khéo, nó có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào.
Diễn biến phức tạp, khó lường
Các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" tại Pháp bắt đầu nổ ra từ ngày 17-11-2018 ở các vùng nông thôn nước Pháp, với mục đích ban đầu nhằm phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, làn sóng này sau đó đã lan rộng đến thủ đô Paris và nhiều thành phố khác ở Pháp, với quy mô khoảng 282.000 người, để phản đối chính sách kinh tế của chính phủ mà người biểu tình coi là "mang lại lợi ích cho người giàu".
Nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình quá khích đã xảy ra. Kể từ khi làn sóng biểu tình “Áo vàng” bùng phát đến nay, đã có 6 người đã thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong các cuộc đụng độ. Cảnh sát cũng đã bắt giam khoảng 216 người biểu tình và 4.500 người bị bắt giữ liên quan đến những cuộc xuống đường của phe "Áo vàng" trong năm 2018.
Nhằm xoa dịu những người biểu tình, ngày 10-12, sau 3 tuần xảy ra biểu tình, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt biện pháp. Theo đó, từ đầu năm 2019, chính phủ Pháp sẽ tăng mức lương tối thiểu (SMIC) thêm 100 euro mỗi tháng; tiền làm thêm giờ cũng như những khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động sẽ không phải chịu bất cứ khoản thuế hoặc phí nào. Đối với những người về hưu thu nhập dưới 2.000/tháng, khoản tăng thuế "đóng góp chung" (CSG) để chi trả cho trợ cấp an sinh xã hội và trợ cấp gia đình nghèo, trích từ lương hưu của họ, sẽ được hủy bỏ. Tổng thống Macron cũng cam kết sẽ tăng cường các biện pháp chống trốn thuế và kiểm soát tốt hơn chi tiêu công…
Sau những nhượng bộ từ chính phủ, số lượng người biểu tình đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner (Crít-tốp-phơ Ca-xta-nơ) cho rằng mặc dù làn sóng biểu tình "Áo vàng" có xu hướng hạ nhiệt, nhưng vẫn còn một số thành phần bất mãn tiếp tục kích động biểu tình. Các nhà phân tích cho rằng, hiện bản thân những người biểu tình "Áo vàng" cũng bị chia rẽ, giữa một bên là những người sẵn sàng đối thoại với chính phủ và một bên là các thành phần quá khích. Những người này vẫn tiếp tục duy trì lập trường phản đối chính phủ vì cho rằng, những biện pháp mà ông Macron đưa ra là chưa đầy đủ và không thể hiện nguyện vọng thực sự nhằm cải thiện mức sống của người dân Pháp.
Trước thực tế này, rất nhiều người cho rằng hoạt động biểu tình đang dần bị biến tướng và diễn biến phức tạp, khó lường. Từ hai tuần trở lại đây, yêu sách chính của những người biểu tình “Áo vàng” không còn chỉ dừng ở việc phản đối các chính sách cụ thể như tăng giá nhiên liệu, hay bất công trong cách tính thuế… mà đã đưa ra các yêu sách có tầm bao quát rộng hơn rất nhiều.
Đó là tập trung vào việc yêu cầu Tổng thống Macron phải từ chức. Bên cạnh đó, phe “Áo vàng” còn yêu cầu chính quyền phải tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về “Sáng kiến công dân” (RIC) nhằm để người dân được trực tiếp tham gia vào nhiều quyết sách của chính phủ. Các nhà phân tích cho rằng, yêu sách này rất phức tạp bởi nó bao phủ một phạm vi rất rộng lớn về mặt luật pháp cũng như tổ chức xã hội nhưng có thể hiểu là người biểu tình “Áo vàng” muốn thông qua yêu sách về sáng kiến công dân này để lấy lại quyền lực về tay đám đông.
Có thể thấy rõ, so với thời điểm cách đây 8 tuần thì giờ đây phong trào “Áo vàng” đã biến đổi nhiều, không còn dừng lại ở việc thể hiện sự giận dữ mà đã biến thành cuộc phản kháng đòi thay đổi xã hội Pháp. Đó chính là điều khiến cho tương lai của phong trào này sẽ còn diễn biễn rất phức tạp. Thực tế này cũng cho thấy những thách thức rất lớn đang chờ đợi Tổng thống Macron trong năm 2019.
Theo TTXVN