Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ GD&ĐT báo cáo nội dung chương trình GDPT mới được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT, ngày 26- 12- 2018, của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chương trình GDPT mới được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.
Chương trình GDPT mới gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn phù hợp với nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung giáo dục cấp Tiểu học gồm 10 môn học; cấp THCS gồm 10 môn học; cấp THPT gồm 5 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng- an ninh và 5 môn học lựa chọn gồm các nhóm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ và nghệ thuật. Cấp tiểu học được học 2 buổi/ngày; cấp THCS và THPT có đủ điều kiện khuyến khích học 2 buổi/ngày. Bộ GD&ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình GDPT mới trong thời gian 5 năm. Từ năm học 2020- 2021 đối với lớp 1; năm học 2021- 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022- 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023- 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; đến năm học 2024- 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Toàn ngành GD&ĐT tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm thực hiện theo nội dung, chương trình GDPT mới.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Tâm thế chuẩn bị đổi mới chương trình GDPT mới được lãnh đạo các địa phương, thầy cô giáo, cán bộ quản lý đồng thuận cao. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công quản lý chương trình GDPT mới, giảm áp lực về hồ sơ sổ sách đối với giáo viên. Ngành GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và in ấn sách giáo khoa, đầu tư cơ sở vật chất, triển khai thực hiện thành công chương trình GDPT mới.
Sơn Ngọc