Chúng tôi đến với Trường THCS Phước Chiến đúng vào thời điểm nhà trường vừa hoàn thành kỳ thi học kỳ I. Ngôi trường có 135 học sinh, biên chế 6 lớp, trong đó có 96% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Giữa buổi sáng, văng vẳng từ các lớp học là âm thanh rộn ràng, vui tươi của thầy và trò khi trao đổi bài học. Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Quang Minh Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường đang kiểm tra sĩ số các lớp học. Thầy giáo Trường cho biết: Trong học kỳ I này, nhà trường huy động được 100% học sinh đến trường và có gần 90% học sinh đi học chuyên cần. Vì là địa bàn vùng cao nên tập quán người dân thường đưa con lên rẫy sinh sống, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sĩ số các lớp học. Chính vì điều này mà nhà trường đã có những phương pháp vận động phù hợp. Khi có thông tin học sinh vắng học nhiều ngày, Ban giám hiệu nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác tư tưởng với các gia đình nhằm vận động cho con em đi học đầy đủ. Qua quá trình cố gắng, giờ mọi việc đã vào nền nếp.
Tập thể giáo viên trường THCS Phước Chiến nỗ lực duy trì sĩ số học sinh đến lớp.
Trong gần nửa giờ đồng hồ ngồi trao đổi cùng thầy Phó Hiệu trưởng về những nỗ lực của nhà trường trong công tác duy trì sĩ số lớp học, thì đột nhiên tiếng chuông điện thoại của thầy vang lên. Sau khi nghe điện thoại xong, thầy cho chúng tôi biết được học sinh Katơr Trường, học lớp 8 có ý định thôi học để phụ giúp gia đình, do đó nhà trường chuẩn bị đến nhà để động viên em đi học lại. Không chần chừ, chúng tôi xin phép tham gia cùng đoàn để tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn mà các thầy, cô giáo gặp phải cũng như những “tuỵêt chiêu” thuyết phục gia đình và học trò. Trời chạng vạng tối, đoàn chúng tôi gồm thầy, cô giáo và cán bộ địa phương bắt đầu chuyến đi gần 7km đến dưới chân thác U Gớ, nơi nhà của học sinh Trường ở đó. Đi được một đoạn đường bằng xe máy, thầy, cô giáo phải gửi xe tạm ở nhà dân và tiếp tục đi bộ gần 500 m vì nhà học sinh nằm ở dốc núi cao. Trên đoạn đường tối om và cái lạnh những ngày đông, chỉ có đèn pin là vật duy nhất dẫn đường cho chúng tôi đến được nhà học trò. Càng đi, tôi càng thấm thía hơn những cống hiến thầm lặng của đội ngũ giáo viên nơi đây trên hành trình đưa giáo dục miền núi đến gần hơn với miền xuôi. Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, thầy, cô giáo của nhà trường đã chia sẻ về thành tích trong học tập của em. Sau một hồi nói chuyện, đoàn vận động đã có được cái gật đầu đồng ý từ gia đình để cho em tiếp tục đi học, điều đó làm chúng tôi tự hào hơn vì công sức bỏ ra đã được bù đắp. Qua chuyến trải nghiệm này, chúng tôi mới hiểu được cách giúp học trò có động lực đi học trở lại không chỉ đơn thuần là sự chân thành, đồng cảm trước hoàn cảnh gia đình mà còn là sự quan tâm, yêu thương, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên đối với các em.
Đồng hành cùng với nhiều đoàn vận động của các trường học trên địa bàn xã, đồng chí Đá Mài Bắng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến nhớ như in từng con số: Năm học vừa rồi, toàn xã có 823 học sinh ở 3 cấp, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 99%. Để nhận được kết quả trên, Ban giám hiệu các trường và chính quyền địa phương đã phối hợp thành lập ban vận động học sinh. Các ban sẽ duy trì trong suốt năm học, hằng tháng báo cáo danh sách học sinh nghỉ hoặc bỏ học để tiến hành công tác vận động. Đến nay, 5 trường hợp học sinh có ý định bỏ học đã có thể tiếp tục đến trường và đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Đi giữa mênh mông núi rừng, chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và chính quyền địa phương trong công tác vận động học sinh đến trường, rồi mai sau, những thế hệ học trò nơi đây sẽ góp sức trẻ và tài trí để xây dựng quê hương càng thêm giàu đẹp.
Lê Thi