Kết thúc năm, các chỉ tiêu pháp lệnh giải quyết việc làm vượt 7,52%, trong đó xuất khẩu lao động vượt 68,31%; đào tạo nghề vượt 8,27%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,02% so với chỉ tiêu vượt 51,5% và 6/6 nhóm chỉ tiêu theo định hướng của Bộ LĐTB&XH đều đạt và vượt chỉ tiêu, góp phần vào sự phát triển và ổn định KT-XH của tỉnh.
Nổi bật là công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác đào tạo nghề đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và kết nối giải quyết việc làm; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực đưa giáo viên, học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp tại một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, Sở LĐTB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung ứng lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động. Trong năm, đã giải quyết việc làm cho 16.667 lao động, đạt 107,52%; riêng lĩnh vực xuất khẩu lao động được 202/120 lao động, đạt 168,31%, tăng 37,41% so với năm 2017; 5.525 người được tư vấn giới thiệu việc làm, qua tư vấn có 1.064 lao động được giải quyết việc làm. Tuyển mới đào tạo nghề cho 9.203 người, đạt 108,27%, trong đó, đào tạo dài hạn 1.266 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 7.937 người. Có 85,87% số lao động sau đào tạo nghề đã gắn với đầu ra giải quyết việc làm cho doanh nghiệp và biết cách ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,86%, trong đó 22,52% tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.
Phiên giao dịch, tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Thế Quang
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong năm 2018 các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời như: Hỗ trợ tiền, chính sách bảo hiểm y tế, các chính sách giảm nghèo, chính sách đặc thù trên địa bàn huyện Bác Ái theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo; chính sách tín dụng, đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giúp cho 2.873 hộ thoát nghèo và 918 hộ thoát cận nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 còn 8,34% (giảm 2,02%, so với chỉ tiêu đạt 134,6%). Riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 6,06% so với chỉ tiêu (4%) đạt 151,5%; 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Nhờ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, nên bộ mặt nông thôn các xã nghèo được cải thiện rõ rệt; người nghèo được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, đời sống được nâng lên, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Trong năm 2019, ngành LĐ-TB&XH đặt ra mục tiêu phấn đấu: Giải quyết việc làm mới 15.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 150 lao động; giáo dục nghề nghiệp, tuyển mới đào tạo nghề cho 8.500 người, trong đó đào tạo dài hạn 1.250 người, tuyển mới trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 7.250 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,16%, trong đó 23,5% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%, riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 4% trở lên.
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành tiếp tục chỉ đạo phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trong đó, tập trung cho các khâu đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn lao động phục vụ cho Đề án Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng sạch, Đề án phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 gắn với các nhóm giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và cùng với các thị trường lao động, tạo việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh việc cho vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Triển khai đồng bộ, kịp thời Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội thuộc ngành quản lý, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân....
Để sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tạo điều kiện và khuyến khích người lao động trên địa bàn tham gia xuất khẩu lao động, ngành cũng kiến nghị HĐND tỉnh cho bổ sung thêm đối tượng là bộ đội xuất ngũ và công an hoàn thành nghĩa vụ được vay từ nguồn vốn hỗ trợ, vay từ ngân sách địa phương để tham gia xuất khẩu lao động.
Xuân Bính