Việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm và bán thuốc theo đơn trong điều trị ngoại trú đã được pháp luật quy định cụ thể trong Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, các nghị định, thông tư hướng dẫn... Tuy nhiên, việc bán thuốc theo đơn, cũng như công tác quản lý hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Trên thực tế, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thực hiện tốt các quy định trên, trong khi các cơ sở hành nghề tư nhân, nhà thuốc thực hiện việc kê đơn và bán thuốc kê đơn vẫn còn lỏng lẻo. Ngoại trừ việc quản lý chặt chẽ thuốc gây nghiện, những thuốc còn lại được mua bán tương đối dễ dàng, ngay cả khi đơn thuốc không hợp lệ, hoặc không có đơn thuốc. Việc tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng quy định, ngoài việc không đạt được kết quả điều trị như mong muốn còn gây nên hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do chủ nhà thuốc muốn đạt tối đa doanh thu; nhận thức của người bệnh, các cơ sở hành nghề còn hạn chế; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe và đặc biệt hơn cả là hiện chưa có một công cụ quản lý nào có hiệu quả để theo dõi, kiểm soát hoạt động kê đơn, bán thuốc kê đơn. Đồng chí Bùi Văn Kỳ, Phó Gám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 cơ sở kinh doanh thuốc, dược phẩm. Tình trạng bán thuốc kháng sinh không theo đơn phổ biến. Năm 2018, đã có 6/7 huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện các quy đinh việc bán thuốc kê đơn. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào bị xử phạt do việc áp dụng các chế tài còn lúng túng.
Ảnh: Văn Miên
Trước tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn tại tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh, qua đó góp phần giảm tình trạng kháng với kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác; kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác; 100% thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. Kiểm soát được việc thực hiện kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn tỉnh, tăng cường công khai minh bạch trong quản lý giá thuốc.
Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cho từng giai đoạn. Trong giai đoạn 1, từ tháng 3 đến tháng 11-2018, Sở Y tế tập trung các hoạt động tuyên truyền và đã tổ chức tập huấn đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức, quy định thực hiện kê đơn và bán thuốc kê đơn, sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh an toàn, hiệu quả, hợp lý cho 289 nhà thuốc, 121 bác sĩ trong hệ thống y tế công lập và tư nhân trong tỉnh. Dự kiến đến cuối năm, 100% nhà thuốc và bác sĩ trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo công tác này.
Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trong năm 2019 tập trung công tác kiểm tra đánh giá hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm. Trong giai đoạn 3, được thực hiện trong năm 2020, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; kiểm tra đánh giá hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn các huyện còn lại. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở cũng đã tiến hành cài đặt phần mềm quản lý nhà thuốc. Việc làm này giúp việc truy xuất nguồn gốc thuốc dễ dàng đảm bảo người bệnh sử dụng thuốc có xuất xứ đúng, giá cả phù hợp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, chấn chỉnh hoạt động kê đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng với mục đích điều trị.
Đồng chí Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Đến nay đã có trên 50% nhà thuốc được cài đặt phần mềm; trong giai đoạn này đang chạy thử nghiệm và tiếp tục hoàn thiện. Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phấn đấu đến năm 2019 tất cả các nhà thuốc đều được cài đặt phần mềm. Cơ sở nào không chấp hành và vi phạm quy định sẽ bị xử lý, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các nhà thuốc trong việc thực hiện bán thuốc kê đơn.
Uyên Thu