Ngây ngô tôi hỏi cha: “Bố ơi, cái ao kia có bờ không?”. Cha tôi bảo: “Lớn lên, con hãy khám phá nhé”. Rồi có lần cha đặt tôi ngồi lên xe đạp, chở tôi dọc triền đê lộng gió, chỉ cho tôi thấy dòng sông Ninh Cơ- một nhánh của sông Hồng. Tôi cũng lấy làm lạ vì sông Ninh này cũng rộng gấp nhiều lần con sông trước ngõ nhà tôi. Cái gì cha chỉ cho tôi cũng rộng lớn hơn những gì tôi thấy. Nhìn sang bên kia bạt ngàn màu xanh bãi dâu, tôi hỏi cha: Bố ơi, bao giờ con được sang bờ bên kia?”. Cha bảo: “Lớn thêm chút nữa, con sẽ được sang bên đó”... Cứ như thế, tuổi thơ tôi là khát khao vượt qua những cái rộng lớn mà bố chỉ, là những buổi nằm trên chiếc võng Trường Sơn của bố nghe kể về những bước chân sải vững chãi trên” đường ra trận mùa này đẹp lắm...”
Lớn lên tôi rời quê hương, đến với vùng đất phía nam để lập nghiệp. Nơi tôi đặt chân đầu tiên là một Tây Nguyên với những cung đường đất đỏ bazan, những đồi chè xanh bạt ngàn trên cao nguyên Bảo Lộc, những cánh rừng trắng muốt hoa cà phê, là một thành phố mộng mơ với ngàn hoa và thông khoe sắc. Tôi cũng đã có dịp ngắm nhìn dãy Trường Sơn hùng vĩ- nơi cha tôi đã gắn bó cả thời trai trẻ, nơi mà trong mỗi câu chuyện ru tôi thời thơ ấu cha thường nhắc đến, tôi thầm hỏi:” Bao nhiêu dấu giày của cha đã in lên dãy núi này?”
Rồi tôi cũng đặt dấu giày của mình lên xứ xở của thanh long, xứ sở của những cánh đồng nho mọng tím. Chả biết thủa xa xưa, thần Đi-ô- ni- dốt có đi qua đây hay không mà trên nền cát bỏng nắng lại sinh ra loài cây ngon ngọt dễ say lòng người đến vậy?
Tôi cũng đặt chân đến Sài Gòn phồn hoa với giấc mơ của nàng Lọ Lem. Nhưng Sài Gòn không giữ tôi được lâu. Tôi rong ruổi khắp miền Trung nắng gió. Và chỉ đến khi tôi đứng tít ngoài đầu đập chắn sóng của biển Khánh Hội, hai bên là sóng biển ầm ầm xô vào tôi, mới hiểu vì sao mình lại có thể bước chân ra đi trong khi có quá nhiều thứ níu kéo tôi ở quê nhà bởi những vùng đất mới luôn là khát khao khám phá để tôi khoác ba lô lên vai và ra đi. Tôi cũng đã lang thang giữa động cát Nam Cương và nhận ra dấu giày phiêu bạt của mình không để lại dấu vết sau một trận gió. Thế nhưng tôi kinh ngạc nhận ra giữa cồn cát di động này có một vết chân khổng lồ. Là vết chân của một vị thần như trong truyện cổ tích tôi vẫn rao giảng với các em hay là sự vô tình của gió đã tạo nên? Là gì tôi không biết nhưng tôi hình dung được bước chân trong vườn nhà Thánh Gióng cái buổi sớm mai bà mẹ ra vườn.
Tôi dừng lại một ngôi làng nhỏ. Tôi dạy các em học và tôi học lại từ chính các em. Những buổi sáng sớm, tôi theo các em ra biển ngắm mặt trời mọc, các em dạy cho tôi phân biệt ốc mặt trăng và ốc mặt trời; dạy tôi cách đào sò lá hẹ, chỉ cho tôi biết những loài động vật biển: còng, mèo biển, sứa, đồn đột... đâu là cỏ biển đâu là rau biển có thể ăn được. Những buổi chiều, tôi theo các em lên rừng, chỉ tôi biết đâu là loại trái cây lành, đâu là trái độc... rồi cô trò trèo lên tảng đá cao ngất mà hét vang trời cho sảng khoái.
Thế rồi, Tết năm 2009 tôi đã được ngồi trên tàu băng băng ra đại dương. Đi mãi cũng chẳng biết đâu là bờ. Tôi chợt nhớ lại câu nói khi xưa của cha. Tôi chợt hiểu ra không phải cha bảo tôi phải vượt qua bờ biển địa lí mà là phải vượt qua biển học. Tri thức của loài người mênh mông như biển, phải cố gắng để không bị chết chìm trong đó.
Tôi cũng đã theo chân các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Thái An (xã Vĩnh Hải) đến ngôi trường của người Ra glai để tổ chức Tết Trung thu cho các em. Tôi nghe các em nói, cũng ráng học vài từ, cũng ráng tranh thủ tìm hiểu một số tập tục. Ngày hôm đó, có đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Hồ Chí Minh về tặng quà cho các em, thấy tôi lăng xăng hỏi thăm, trò chuyện, một anh trong đoàn hỏi: Em là người Ra glai sao trắng thế, không thấy giống người ở đây? Tôi, "sốc toàn tập" nhưng phì cười nói: “Em là cô giáo đến đây dạy học”.
Chỉ vài năm nữa thôi, ngôi làng này sẽ biến thành nhà máy điện hạt nhân. Tôi sẽ không còn được ở đây nữa, bàn chân tôi sẽ lại đặt lên những con đường khác - những con đường mở ra cho tôi những tầm nhìn mới và những khát khao chinh phục mới. Và dù đó là con đường đất, đường đá gập ghềnh, hay đường bê-tông rải nhựa phẳng lì thì tôi vẫn hăm hở bước lên. Đơn giản chỉ là vì, cha tôi vẫn đứng phía sau khích lệ: Hãy bước tới, bước tới và phải vượt lên!
Phạm Thị Hòa