Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:

Công điện hỏa tốc: Triển khai thực hiện công tác ứng phó mưa, lũ trên địa bàn tỉnh

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 25-11, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có Công điện hỏa tốc số 5056/CĐ-UBND về triển khai thực hiện công tác ứng phó mưa, lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Trong 36 giờ qua khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa đặc biệt to; lượng mưa phổ biến 100mm đến 200mm, cá biệt Bà Râu 293,7m, Phước Chiến 303,8mm. Vào lúc 12 giờ 00 ngày 25/11/2018, mực nước trên sông Cái Phan Rang tại trạm thuỷ văn Tân Mỹ đo được 37,67m, trên mức BĐIII là 0,17m; tại trạm Phan Rang đo được 3,58m, trên mức BĐII là 0,0832m. Trên Sông Lu tại trạm thuỷ văn Phước Hà đo được 64,31m, trên BĐIII là 1,31m; tại Phước Hữu đo được 12,97m, trên BĐIII là 0,67m.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh mưa lớn diễn ra nhiều nơi, lượng nước trên sông suối đang đổ về hạ lưu. Dự báo trong ngày hôm nay (25/11), mưa lũ trên các sông đạt đỉnh như sau: Trên sông Cái Phan Rang tại trạm Tân Mỹ đạt đỉnh 38,50m, trên BĐIII là 1,00m, trạm Phan Rang khả năng đạt đỉnh là 4,50m, ở mức BĐIII. Trên sông Lu tại trạm Phước Hà đạt đỉnh 63,50m, trên BĐIII là 0,50m, trạm Phước Hữu khả năng đạt đỉnh là 13,80m, trên BĐIII là 1.50m, thấp hơn lũ lịch sử 0,80m.

Nhiều hộ dân ở thôn Thương Diêm (Phước Diêm) bị ngập nước hơn 1 m. Ảnh: Văn Nỷ.

Để đối phó với mưa lũ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện các công việc như sau:

1. Giao UBND các huyện, thành phố: Khẩn trương di dời dân ở vùng trũng thấp, đang bị ngập lụt và có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá; lưu ý các khu vực sạt lở đất ở vùng núi thuộc các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc; ngập úng ở vùng trũng thấp thuộc các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, đặc biệt là vùng hạ lưu các hồ, các vùng bị tác động mưa lũ, các xã/phường/thị trấn dọc theo tuyến sông Dinh. Tinh thần phải chủ động, khẩn trương, quyết liệt, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhân dân. Thời gian hoàn thành sơ tán dân trước 20 giờ ngày 25/11/2018. 

Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Nghiêm cấm người và phương tiện qua các sông suối, các tràn qua đường bị ngập lũ. Đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chủ trì trong việc huy dộng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó, xử lý tình huống xảy ra; xác định phạm vi, khu vực chịu ảnh hưởng của lũ để đề xuất cụ thể nhu cầu hỗ trợ lực lượng, phương tiện đối với cơ quan chức năng của tỉnh (đã được tỉnh hiệp đồng) trước 16 giờ ngày 25/11/2018.

2. Giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận các đề xuất nhu cầu hỗ trợ lực lượng, phương tiện của các huyện, thành phố nếu có liên quan đến các đơn vị quân đội (như: Đoàn đặc công 5, Vùng 4-Hải quân, Trung đoàn Không quân... ), thì chủ động liên hệ các đơn vị đó để phối hợp tham gia.

3. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo cho các trường, học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong cả ngày 26/11/2018.

4. Giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ và tính toán vận hành xả lũ các hồ chứa đảm bảo an toàn, đúng quy trình vận hành các hồ chứa nước; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương vùng hạ lưu để chủ động ứng phó.

5. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo việc bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; phối hợp với Công an tỉnh, địa phương bố trí lực lượng chốt chặn các tuyến đường, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, khu vực bị chia cắt.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thực hiện việc sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương.

7. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, kịp thời thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để theo dõi diễn biến của mưa lũ.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng thường xuyên và thông báo diễn biến của mưa lũ để các Sở, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động ứng phó.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) thường xuyên theo dõi, tổng hợp diễn biến tình hình mưa lũ; đôn đốc, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung trên; thường xuyên báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời UBND tỉnh.

10. Các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục trực ban 24/24 để thực hiện công tác phòng, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh.