Khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 9

Ngày 22-11 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ) họp trực tuyến với các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) dự báo sẽ mạnh lên thành bão. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng Chính phủ và Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, Trưởng BCĐ chủ trì. Tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và 7 huyện, thành phố dự họp.

Theo dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão; đêm 24-11, sáng 25-11, bão đổ bộ vào đất liền khu vực Phú Yên - Bình Thuận ở cấp 9, 10, giật cấp 12.. Theo thông tin từ các đài thủy văn quốc tế, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn từ 200-300mm tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trên biển cũng có mưa to, trong đất liền cảnh báo xảy ra dông, lốc cục bộ. Về diễn biến, dự báo càng gần bờ, tốc độ di chuyển của bão sẽ chậm lại, trong khi cường độ sẽ ngày càng cao.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
và lãnh đạo sở, ngành, địa phương dự họp trực tuyến. Ảnh: X.Bính

Sau khi nghe các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các ban, bộ, ngành, các địa phương trong việc sớm triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9. Trước những dự báo về cường độ, hướng đi, diễn biến của cơn bão số 9, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao cảnh giác, chuẩn bị nghiêm túc các phương án ứng phó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động đề ra phương án, liên tục cập nhật, rà soát phương án tuỳ vào tình hình cụ thể của địa phương, của ngành mình để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến, UBND tỉnh cũng đã tổ chức họp nhanh triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 9. Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: các sở, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm túc phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và Công văn 4982/UBND-KTTH của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường chủ động ứng phó với bão lũ trên địa bàn tỉnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là không được chủ quan, tập trung cho công tác phòng, ứng phó với tình hình xảy ra. Huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với ATNĐ; bão, phòng tránh lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng Nhân dân, tài sản nhà nước và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh, trú bão trong tỉnh và ngoài tỉnh; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền hợp lý, chắc chắn, tránh va đập, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Rút kinh nghiệm thời gian vừa qua, các địa phương cần quyết liệt và chủ động kể cả cưỡng chế triển khai di dời dân ở những vùng xung yếu, ven biển, tàu thuyền, lồng bè trên biển; vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét, chỉ đạo người dân chằng, chống nhà cửa nhất là khu vực ven biển, giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của Nhân dân. Đồng thời tổ chức lực lượng xung kích tuyên truyền vận động và hỗ trợ nhân dân khu vực ven biển tổ chức chằng chống nhà cửa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào bờ.

Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão, mưa lũ, kịp thời thông báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan biết, chủ động chỉ đạo ứng phó. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên thông báo diễn biến của bão cho người dân biết để ứng phó.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi bão, mưa lũ, lụt xảy ra. Sở NN&PTNT kiểm tra lại an toàn các hồ đập, các hồ thủy lợi đang còn thấp thì sẵn sàng tích nước, các hồ gần đạt ngưỡng từ 90-95% cần vận hành an toàn, cảnh báo tình huống xả lũ cho các địa phương để chủ động ứng phó. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban 24/24h bắt đầu từ chiều ngày 23-11, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, mưa lũ để ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo khẩn trương xuống cơ sở nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ.