Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, hồi 13 giờ ngày 21-11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 22/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Từ sáng sớm ngày 22-11, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu phía Tây ATNĐ mạnh lên thành bão, khu vực biển tỉnh Ninh Thuận có gió bão mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn 4982/UBND-KTTH về việc tăng cường chủ động ứng phó với bão lũ trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ một số tỉnh thành bị thiệt hại về người, tài sản do bão lũ gây ra trong thời gian qua. Để chủ động ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:
UBND các huyện, thành phố ven biển khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nhà ở, số hộ dân sinh sống ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở do bão lũ, triều cường để tuyên truyền, vận động và chủ động có phương án hỗ trợ Nhân dân chằng chống nhà cửa, cũng như sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi bão, ATNĐ đổ bộ vào bờ.
Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển khẩn trương kiểm tra, rà soát các tuyến đê, kè và các vùng có nguy cơ sạt lở do bão lũ, triều cường để sửa chữa, khắc phục kịp thời, đặc biệt là tuyến đê, kè Phú Thọ, Đông Hải vừa bị sụt lún, sạt lở do triều cường (mới tạm khắc phục xong); chủ động đề xuất, báo cáo UBND tỉnh.
UBND huyện Ninh Hải, Tp Phan Rang-Tháp Chàm và một số địa phương ven biển khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy nội địa,… trên địa bàn, đặc biệt là khu nuôi trồng thủy sản C1, C2 để tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân biết chủ động di chuyển về nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra; kiên quyết di chuyển người ra khỏi lồng bè, phương tiện thủy nội địa... trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo vệ tính mạng của Nhân dân.
UBND các huyện miền núi, các huyện có xã miền núi (Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam…) khẩn trương rà soát các khu vực ven sông, suối, đồi núi thường xuyên bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là các nhà dân sống gần các vùng đồi, núi để chủ động có phương án ứng phó, khắc phục và kịp thời tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn nhằm đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, lũ.
UBND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành và đơn vi liên quan khẩn trương tổ chức rà soát những nơi trũng thấp, sạt lở đất đá... và có ngay biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn.
Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ tri, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để chủ động ứng phó với bão lũ; tổ chức làm việc, chủ động cấp rọ đá cho các địa phương có nhu cầu để tổ chức khắc phục sạt lở và ứng phó bão, lũ. Đồng thời rà soát, tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra các công trình, hồ đập,… để chỉ đạo công tác khắc phục, ứng phó kịp thời.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ để tổ chức tích trữ và xả lũ các hồ chứa đảm bảo đúng quy trình vận hành các hồ chứa nước, vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa phục vụ sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân trong thời gian tới; Phối hợp chặt chẽ với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho Nhân dân phía hạ lưu do xả lũ gây ra; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến Nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan trong thời gian sớm nhất trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn (chậm nhất 6 giờ trước khi xả lũ).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh) theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo-các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung trên; thường xuyên báo cáo UBND tỉnh.
Xuân Bính.