Thầy giáo Trần Doãn Thao, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có 23 cán bộ, giáo viên, hầu hết ở dưới xuôi lên vùng cao dạy học. Tuy cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng với tinh thần yêu nghề, mến trẻ, các giáo viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gắn bó với trường được gần 10 năm, cô giáo Trần Thị Liên nhớ ngày đầu bước chân vào trường rất bỡ ngỡ, nhưng bằng lòng nhiệt huyết của một giáo viên trẻ mới ra trường, tôi đã cố gắng vượt qua để mang “con chữ” đến với trẻ em vùng cao. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, với sự quan tâm gần gũi của phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương, tôi đã hòa nhập vào môi trường mới.
Giờ lên lớp của cô giáo Trần Thị Liên, Trường Tiểu học Phước Thành A. Ảnh: T.Mạnh
Đối với giáo viên vùng cao, khó khăn nhất không phải là khoảng cách địa lý mà chính là việc vận động học sinh ra lớp. Do học sinh miền núi thường theo gia đình lên rẫy, nên thầy, cô giáo phải đến tận nơi vận động các em ra lớp. Cô giáo Trần Thị Thảo, chia sẻ: Hầu hết các con đường trong thôn, xóm đều đã quen thuộc với các thầy, cô giáo khi đi vận động học sinh đến trường, có nhiều nhà phải đi 5 đến 6 lần mới gặp được phụ huynh và học sinh. Dù vất vả, gian nan, nhưng với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, bao nhiêu khó khăn cũng không làm chùn bước các thầy, cô giáo. Không những tận tâm với nghề, các thầy, cô giáo còn đi vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ sách, vở, quần áo… cho học sinh nghèo; xây dựng khu vui chơi giải trí, thư viện xanh, tạo môi trường học tập thân thiện, thu hút học sinh tới lớp.
Tiến Mạnh