Mục tiêu 90-90-90: mục tiêu nền tảng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS
Tại Hội nghị AIDS toàn cầu lần thứ 20 về phòng, chống AIDS ở Australia (tháng 7-2014), Liên hợp quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng ARV và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới ngưỡng ức chế) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi tắt là Mục tiêu 90-90-90.
Và nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác và người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh. Hơn nữa, khi các mục tiêu 90-90-90 đạt được vào năm 2020 sẽ tạo đà để từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Chính bởi vậy, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã coi đây là mục tiêu nền tảng và cam kết thực hiện trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS của mình.
Kiên trì mục tiêu và những kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam
Trải qua gần 40 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS (kể từ năm 1980 khi HIV/AIDS bùng phát trên thế giới), công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện, rộng khắp và có hiệu quả cao. Việt Nam đã sớm hình thành hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương tới cơ sở, đồng thời ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật cũng như hướng dẫn chuyên môn về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.
Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cũng được đẩy mạnh thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Hiện nay dịch vụ xét nghiệm HIV đã được triển khai rộng rãi với hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sàng lọc ở 100% các huyện; cả nước có 138 phòng xét nghiệm khẳng định HIV ở tất cả các tỉnh và một số huyện vùng sâu, vùng xa. Với hơn 1,4 triệu người được tư vấn xét nghiệm trong các cở sở y tế cả của nhà nước lẫn cơ sở y tế tư nhân.
Các hoạt động can thiệp và dự phòng lây nhiễm HIV được duy trì thông qua hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang chuẩn bị cho thí điểm điều trị nghiện bằng thuốc Buprenorphine. Điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho khoảng 130.000 bệnh nhân HIV và mở rộng việc xét nghiệm tải lượng virút như xét nghiệm thường quy.
Cùng với đó, việc mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng được các địa phương đẩy mạnh với tỷ lệ chung tại 63 tỉnh, thành phố với khoảng 85% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế… Việc điều trị ARV hiện nay cũng được mở rộng tới tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc với 470 cơ sở điều trị, có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Đáng chú ý, thuốc ARV hiện đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế trong những năm tới. Việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế mở rộng cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng.
Với tất cả những nỗ lực đó, tại Việt Nam số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Theo thống kê gần nhất, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên cả nước phát hiện thêm 3.500 trường hợp nhiễm HIV, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2017; số trường hợp bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS giảm khoảng 27%. Việt Nam cũng tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, các mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virút hiện đạt được còn thấp trong khi thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu không nhiều. Do vậy năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90 đã cam kết từ năm 2014.
Tăng cường hành động để khắc phục khó khăn, thách thức
Tuy công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại, trong khi đó nhiều địa phương chưa quan tâm cao đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Để đạt được mục tiêu 90-90-90, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030./.
Theo TTXVN